Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Cafe thứ 7] Chuyện làm thêm

Ở blog trước, tôi đã nói về chuyện cái bằng và trong chuyện cái bằng đó có nói đến giá trị của cái bằng khi đi xin việc. Thật vui mừng khi hồ sơ của bạn được chọn vào vòng phỏng vấn. Khi bắt đầu phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể rút bảng điểm ra và xem lại nhưng theo như một anh “sếp” của tôi có nói lại rằng thực ra lúc đó anh cũng chỉ lướt qua cái bảng điểm thôi chứ chẳng quan tâm gì đến nó. Nếu người phỏng vấn bạn có hỏi xem bạn học trường gì, tốt nghiệp loại gì thì hãy tin rằng đấy chỉ là một trong các câu hỏi vô nghĩa để họ có thể xác định tạm thời bạn là ai giống như các câu hỏi kiểu như “em tên gì?”, “em quê ở đâu?” thôi, họ có thể chẳng đánh giá gì bạn đâu. Những câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá bạn có thể bắt đầu bằng câu: “Em có kinh nghiệm gì trong công việc này chứ?”. “F***, đùa chắc, tôi mới ra trường thì kinh mới cả nghiệm gì chứ?Anh muốn ép giá tôi thì nói thẳng ra luôn đê” – có thể trong đầu bạn sẽ nghĩ thế. Sẽ hay hơn nếu bạn trả lời rằng: “Thực sự em chưa có kinh nghiệm gì trong công việc này, nhưng khi còn trên ghế nhà trường em cũng có làm các công việc liên quan như…”
Chuyện làm thêm.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều không muốn đứa con của mình đi làm thêm.
Đầu tiên, họ sợ những đứa con của mình mệt, sợ bạn không có thời gian. Mà sợ bạn mệt cũng đúng, sợ bạn không có thời gian cũng đúng. Thử nghĩ xem, khi còn học THPT, bạn có thể chẳng bao giờ phải đụng vào cái chổi quét nhà, cái giẻ rửa bát hay chả bao giờ phải bật cái bếp ga cho bạn “chẳng có thời gian” để mà đụng vào chúng. Mà kể cả nếu có đụng thì tôi tin là bố mẹ bạn đã giúp bạn giảm thời gian phải đụng vào chúng khá nhiều rồi ấy. Giờ, khi đã xa rời vòng tay bố mẹ, bạn sẽ phải tự làm tất cả chúng. Phải quét nhà, giặt quần áo, nấu cơm, rửa bát và vô số các việc làm không tên nữa, rồi chưa kể phải học hành, phải tham gia hoạt động này, hoạt động nọ, chẳng mệt bở hơi tai ấy chứ, sức lực và thời gian đâu mà làm thêm nữa. Nếu còn thời gian và sức lực, bạn nên dành vào việc học hoặc nghỉ ngơi thì vẫn hơn.
Thứ hai, bố mẹ bạn có thể sợ bạn mới bắt đầu quá trình tự lập, mới bước ra cuộc sống có nhiều cám dỗ mà bạn thì còn nhiều bỡ ngỡ, ngu ngơ, sẽ chẳng bất ngờ nếu bạn trở thành con mồi trong mơ của một tay lừa nào đó. Điều này là hoàn toàn có thật. Rất nhiều bạn trẻ khi mới bước vào môi trường mới do thiếu kiến thức và thừa mơ mộng kèm theo chút ham muốn nên đã trở thành nạn nhân xấu số của một số tay đào lửa. Nhẹ thì mất ít tiền, nặng hơn thì mất nhiều tiền và đôi lúc là mất cả niềm tin, cơ hội và vô vàn những thứ không sờ, không nắm được nữa. Vậy nên, có lẽ lặp đi cái vòng tuần hoàn ngủ – học – chơi – ăn – ngủ hàng ngày, không tham gia làm bất kì công việc làm thêm nào là một giải pháp hữu hiệu để bạn không bị lừa.
Thực tế thì thế nào?
Thời gian và sức lực?
Thực ra thì đa số sinh viên không sử dụng hiệu quả hết thời gian của mình.
Một ngày bạn ngồi Facebook hết bao nhiêu thời gian? Trong thời gian ngồi Facebook đó, bao nhiêu thời gian bạn dành để xem cập nhật trạng thái của bạn bè, đọc những tin tức trên trang chủ, xem những ảnh và đọc những đoạn note. Bao nhiêu thời gian bạn dành để đọc và trả những cái tag vô nghĩa, lan truyền những thông tin không chính xác, click những nút like lạnh lùng? Bao nhiêu thời gian bạn dành để đăng status, để comment và chờ người khác comment để comment tiếp? Có thể bạn bảo đăng status, comment để người khác có cơ hội quan tâm đến mình và thể hiện sự quan tâm của mình đến người khác nên thời gian đó không lãng phí nhưng chắc chắn thời gian chờ để comment chắc chắn là lãng phí rồi. À, vậy bao nhiêu status của bạn là tâm trạng thật, bao nhiêu comment của bạn là nói về đúng cái bạn đang quan tâm chứ không phải là chỉ viết cho vui chứ chả để làm gì?
Không ngồi Facebook nữa nhá, một ngày bạn học mấy tiếng? Người ta khuyên là học 30 phút thì nên giải lao 5-10 phút và không học quá 2 tiếng cho mỗi lần. Sau đó ăn, chơi rồi học tiếp (nếu muốn). Nhưng thực ra, trong lúc học, bạn dành bao nhiêu thời gian để thực học mà không phải để cắt móng tay, để ngáp, để kiếm cái gì đó ăn và ăn,… Chắc chắn cũng không ít đâu.
Không học nữa, đi chơi. Bạn chơi mấy tiếng mỗi ngày? Và bao nhiêu thời gian chơi đó giúp bạn sảng khoái và phục hồi năng lượng? Bao nhiêu thời gian khiến bạn mệt và yếu hơn?
Nếu mà tính toán chi tiết ra thì một ngày bạn có thể lãng phí đến 6 tiếng (như chính tôi từng tính cho mình), và nếu dành một phần trong 6 tiếng đó để đi làm thêm thì tôi tin bạn cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đâu (cách tính nằm ở cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”, các bạn có thể tham khảo). Đó là tôi chưa nói đến một quy luật của kinh tế học là lợi ích cận biên giảm dần nữa đấy. Đơn giản của quy luật này là khi bạn đói và ăn phở thì bát phở thứ hai bạn sẽ không cảm thấy ngon bằng bát phở thứ nhất và các bát phở sau sẽ ngày càng tệ hơn cho đến khi bạn cảm thấy việc ăn phở là cực hình. Có lẽ bạn nên dừng khi cảm thấy đủ no sau bát phở thứ nhất hoặc cùng lắm là thứ hai. Việc sử dụng thời gian cũng tương tự như vậy. Dùng quá nhiều thời gian cho một việc sẽ khiến hiệu quả kém đi và tốt hơn hết là nên dùng thời gian có hiệu quả.
Sức lực cũng tương tự vậy. Nếu ta thu xếp tốt thì làm thêm cũng chẳng khiến bạn mệt lắm đâu. Nhất là làm những công việc mà bạn thích còn có thể khiến bạn khỏe hơn ấy chứ.
Còn chuyện bị lừa à?
Bạn có nghĩ khi 4 năm không va chạm xã hội thì khi ra ngoài xã hội bạn sẽ không bị lừa? Bạn không thể chạy trốn xã hội mãi được. Hãy học cách suy nghĩ, cảnh giác và đề phòng cạm bẫy trước còn hơn. Chí ít là để đến khi ra trường bạn không còn mắc vào những trận lừa sơ đẳng.
Vậy xem ra nên bỏ chút thời gian đi làm thêm thì vẫn hơn. Vậy làm gì?
Làm gì thì phải xem mục tiêu của bạn là gì. Bạn cần tiền hay kinh nghiệm? Nếu cần tiền thì lời khuyên chân thành dành cho các bạn là đi gia sư. Gia sư là cái nghề kiếm tiền dễ nhất, nhiều nhất, nhàn nhất và ít áp lực nhất. Vấn đề của bạn là kiếm được chỗ dạy nào đó ngon ngon một tí là được. Chỉ cần học trò không quá dốt (thực ra, có không học được thì mới cần nhờ các bạn) nhưng phải chịu học, không quá lười (lười là bệnh của cả sinh viên nữa chứ đừng nói là học sinh) là được. Thêm vào đó, giá cả, giờ dạy, số buổi nên thương thuyết cụ thể ngay từ đầu với chủ nhà và nếu chủ nhà có các chế độ bồi dưỡng thêm thì quá tốt. Vấn đề là làm sao để có được chỗ dạy “ngon ngon” như thế thôi. Đầu tiên là hãy nhờ quan hệ, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu. Nếu bất đắc dĩ lắm thì hẵng ra các trung tâm gia sư. Mà nhớ tìm trung tâm nào uy tín một tí. Nếu tôi có thằng bạn nào mở trung tâm gia sư, tôi sẽ quảng cáo ngay. May mà không có, các bạn lên mạng tìm vậy :)). Đi làm gia sư bạn chỉ dễ kiếm tiền thôi, quan hệ có thể có một chút nữa chứ kinh nghiệm cũng chẳng nhiều lắm đâu (trừ khi bạn học sư phạm). Thực tế là tôi chẳng bao giờ ghi “gia sư” vào phần kinh nghiệm mà mình có được cả. Nếu bạn muốn có kinh nghiệm thì hãy làm những công việc có liên quan đến những việc mình sẽ làm sau này. Một cách nữa là kết hợp làm gia sư để lấy tiền và làm việc khác để lấy kinh nghiệm. Nhưng mà thế sẽ mệt ấy. Mà thôi, phần này tôi viết ít thôi, chủ yếu là viết thêm ấy mà. Việc các bạn phải tự tìm chứ.
Chúc các bạn làm việc vui vẻ.
_______________________________