Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Cafe thứ 7] Làm gì khi mình giỏi

Làm gì khi mình giỏi? Trước tiên, bạn phải hiểu cái “giỏi” mà tôi muốn nói đến là như thế nào. Giỏi có thể là biết nhiều hơn, biết “chất” hơn, làm tốt hơn, kinh nghiệm hơn, hay là tự nghĩ rằng mình hơn. Nói chung, bạn cứ hiểu “giỏi” là hơn là được.
Thứ hai, tôi định dùng cách so sánh giỏi – chưa giỏi vì sự thực chẳng ai dốt cả, chẳng qua chưa giỏi thôi. Nhưng đó không phải là phong cách của tôi, tôi muốn nói quá lên một tí, tạo hiệu ứng truyền thông ấy mà. Các bạn hãy hiểu “dốt” theo nghĩa nhẹ nhàng thui nhé, thật nhẹ nhàng thôi. Tức là chưa giỏi ấy.
Thứ ba, tôi phải khẳng định rằng tôi  là một thằng dốt, hay chí ít là không giỏi ở mọi lĩnh vực và với tất cả mọi người. Dù sao thì đánh giá giỏi – dốt với một người cũng chỉ mang tính chất tương đối ở từng mặt của cuộc sống và trong từng hoàn cảnh nhất định. Giả sử thế này, khi nói về kiến thức về mạng Internet, khi tôi ngồi với một thằng bạn của tôi, nó học Aptect, làm chủ của một vài trang web, một vài site phim và nhận lương vài triệu một tháng thì tôi chỉ là một gã học nghề về Internet (và phải rất lâu nữa – nếu không muốn nói là không bao giờ học được); nhưng khi ngồi với một cô bạn không biết đến việc sử dụng email như thế nào thì việc tôi lập và sử dụng một tài khoản Gmail đã là giỏi lắm rồi (thực tế thì tôi không có cô bạn nào như thế, chỉ là giả sử thôi). Tất nhiên cũng có những lĩnh vực tôi dốt hoàn toàn, ví như là tôi đã không thể nhớ nổi câu chào buổi sáng trong tiếng Nhật đọc như nào dù hôm bạn tôi bay sang Nhật, bạn ấy đã nhắc đi nhắc lại cho tôi mấy lần. Và vì là một thằng dốt nên tôi hiểu rất rõ cảm giác phải đứng trước thằng giỏi là như thế nào. Thực sự thì không phải kem ở đâu cũng ngon như nhau và ai cũng thích ăn kem, tương tự không phải người giỏi nào cũng luôn được quý.
BẠN GIỎI CHỨ?
Giỏi và dốt chỉ mang tính chất tương đối, nên trước khi đọc tiếp, bạn hãy tự đặt mình vào một hoàn cảnh nhất định, một lĩnh vực nhất định và với một người … bất định (tốt hơn hết là bạn tự tưởng tượng ra một nhân vật nào đó, tôi không muốn ai mang trong mình những suy nghĩ kiểu như “mình giỏi hơn thằng A cơ mà” khi đọc một bài vớ vẩn của một thằng ngớ ngẩn nào đó trên mạng (tôi đấy); như thế là không nên). 
Được rồi, bây giờ bạn đã có hoàn cảnh rồi, giờ tự hỏi mình xem “mình có giỏi không?”. Một số bạn trả lời “không”, số khác trả lời “có”. Những bạn trả lời “không” có hai trường hợp. Trường hợp một là “không” thật. Bạn đang tưởng tượng là mình sắp nói chuyện về điểm toán lẹt đẹt của mình với một thằng luôn đạt điểm 10 trong các bài kiểm tra trên lớp và được giải ở các cuộc thi cấp thành phố, quốc gia? Quên nó đi, bạn đang là người giỏi cơ mà, bạn phải giỏi thì bạn mới đọc bài này của tôi chứ! Tưởng tượng lại nhé. Trường hợp hai là các bạn khiêm tốn. Bạn luôn đạt điểm 9-10 và cho rằng mình toàn gặp may. Thôi nào, bạn giỏi thật ấy, cứ nghĩ thế đi nhé và đọc tiếp nào. (Các bạn trả lời “có” chắc tôi không phải nói thêm nữa, bạn đã rất tự tin. Tôi hi vọng khi bạn nghĩ “có”, bạn không thấy lương tâm cắn rứt gì, vì nếu cắn rứt thì thực lòng bạn vẫn nghĩ là “không”. Tôi hơi buồn đấy).
GIỎI THÌ LÀM GÌ?
Một số người kể với tôi rằng họ có những người bạn, khi họ học bình thường thì người bạn kia thật dễ thương và khi họ bắt đầu học khá thì người bạn kia lại như xa lạ. Người bạn đó bắt đầu ghen ghét, đố kị hay gì đó đại loại thế và sau một thời gian thì họ không còn là bạn thân, thậm chí còn chẳng là bè nữa chứ đừng nói là bạn. Người kể tôi nghe thì “không tiếc những người bạn như thế”, còn bạn của họ thì chắc cũng chẳng tiếc gì. Ô, vậy thì mọi chuyện chẳng hóa ra là chẳng có gì phải bàn à, dù sao thì cả hai đều không cần nhau cơ mà? Đừng đùa như thế, mặc dù ta có thể vẫn sống được khi không có người này, không có người kia. Nhưng không ai muốn mất đi những người bạn cả.
Ban đầu thì tôi nghĩ rằng những người kia thật đáng ghét. Bạn bè kiểu gì mà thấy bạn mình giỏi lại ghen ghét, đố kị và không khéo là thù địch như thế. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, trải nghiệm, tôi thấy rằng không hẳn lỗi thuộc về những người bạn-của-người-giỏi mà đôi lúc nó xuất phát từ chính những người giỏi, có điều họ không nhận ra mà thôi. Và khi bạn đã bắt đầu giỏi rồi thì bạn hãy thử nghĩ xem mình có bao giờ mất những người bạn vì phạm phải những sai lầm được kể ra sau đây hay không nhá.
Tình huống 1: Bạn được khen.
Chà, bạn vừa đứng lên thuyết trình trước vài trăm người trong hội trường về một vấn đề nào đó một cách rõ ràng, thuyết phục, hấp dẫn và sau khi bạn bước vào sau cánh gà, ngồi xuống ghế dưới khán đài, người bạn thân ngồi bên cạnh của bạn khen:
– bạn làm tốt lắm
và bạn khiêm tốn
– Không, tớ ấp úng lắm
– Bạn ấp úng đâu, trôi chảy lắm mà
– Bộ quần áo tớ mặc trông buồn cười nữa chứ
– Buồn cười đâu, đẹp mà
– Tớ nói bé quá thì phải
– …
Và thế là trong khi trong đầu bạn đang sung sướng vì những câu khen và nghĩ rằng mình đang khiêm tốn nữa thì trong đầu của người bạn kia sẽ là “làm thế nào để kết thúc câu chuyện chết tiệt này đây?” hoặc là “tôi thề sẽ không bao giờ khen gã này nữa”. Và lần sau, khi bạn có những bài thuyết trình tốt hơn, nhưng anh bạn của bạn lại không khen bạn nữa, anh ta coi đó là điều bình thường và chẳng có gì đáng để khen cả thậm chí là muốn lảng tránh, không muốn nói về chuyện đó. Một lần như vậy, vài lần như vậy bạn sẽ nghĩ rằng “thằng cha đó chắc đang đố kị với mình vì gã không làm được” và thế là tình bạn tan rã. Nghĩ lại xem nào, thực chất đâu phải như vậy đâu.
Bạn nghĩ mình khiêm tốn? Sự thực, người ta chỉ có thể khiêm tốn được khi người ta thấy mình có cái gì đó đáng để khiêm tốn. Nếu bạn coi việc đứng lên thuyết trình thành công trước mọi người là một điều bình thường thì không nên khiêm tốn về nó, càng không nên khoe khoang, phóng đại gì về nó. Nữa là, chúng ta luôn mong muốn mình thành công vậy nên không có lí do gì phải lảng tránh sự thành công của mình, cũng chẳng có lí do gì phải phủ nhận lời khen mà mình xứng đáng được nhận. Một câu trả lời khôn ngoan và đơn giản là “cảm ơn” hoặc có thể là “bình thường ấy mà” và nói sang chuyện khác.
Tình huống 2: Bạn gặp “tai nạn”.
Kể cả bạn có là bậc thầy của một lĩnh vực nào đó thì việc gặp tai nạn ngay trong lĩnh vực tủ của mình cũng là điều bình thường. Một người giỏi xoay xở cũng có thể có những tình huống xử lí “ngớ ngẩn” hoặc tự đưa mình vào thế khó, một người học giỏi cũng có thể gặp những điểm kém, đó là điều bình thường. Tất nhiên, nhìn ở góc nhìn thứ 3 thì đó là điều bình thường, còn khi chuyển sang góc nhìn thứ nhất (bản thân bạn là người gặp tai nạn) thì việc đó có vẻ chả bình thường tẹo nào, và bạn muốn kêu. Cũng tất nhiên, chẳng ai có quyền cấm bạn kêu, vấn đề là phải kêu đúng lúc, đúng chỗ.
Đúng lúc thì hiển nhiên rồi, bạn không thể kêu về lần bạn bị cô giáo nhắc nhở của mình khi nó đã xảy ra được mấy tuần và trong mấy tuần ấy, cô giáo vẫn khen bạn suốt được rồi. Bạn cũng không thể kêu vì một bữa ăn chả ra gì mặc dù bình thường bạn nấu ăn rất giỏi vào 12 giờ đêm được, trừ khi bạn muốn tra tấn những người nghe bạn. Bạn càng không thể kêu vì mấy tai nạn của mình trước một bạn mà có người thân đang bị tai nạn thực sự và đang nằm trong bệnh viện. Không thể ích kỉ như thế, người khác có thể cần được “kêu” hơn bạn.
Đúng chỗ, ý tôi là đúng người ấy. Nếu bạn thường xuyên được 8, 9 và hôm nay bạn bất ngờ bị điểm 6 thì cũng đừng kêu trước mặt tôi – thằng suốt ngay ăn 6 và hôm nay chả biết có phải sáng rời khỏi giường bằng cả thân hay không mà hôm nay được điểm 7. Lúc đó, trong đầu tôi hoặc sẽ là sự thương hại hoặc tôi sẽ coi đó là một sự xỉ nhục. Đừng tưởng tôi đang nói đùa, nó chẳng khác nào sự xỉ nhục đâu. Tốt hơn hết là bạn nên tìm những người cùng hay được 8-9 như mình để kêu ca và chấp nhận nén nỗi buồn của mình xuống khi gặp những người 6-7. Có lẽ vì lí do này, những người giỏi thường hay chơi với nhau.
Tình huống 3: Bạn được (bị) nhờ vả.
Do cũng biết múa máy tí trên máy tính nên tôi được khá nhiều bạn nhờ xem hộ cái máy tính của họ. Thường thì tôi sẽ luôn vui vẻ nhận lời, vì được chém gió, được khoe khoang tí thì ai mà chả sướng. 
Nhưng không phải lúc nào tôi cũng có thời gian và có tâm lí để chém gió với cả khoe khoang, và vấn đề là phải từ chối sao cho khéo. Thường thì tôi sẽ nói thẳng lí do từ chối của mình thôi vì tôi chả có gì phải giấu cả. Nhưng nếu có lí do mà bạn không muốn nói và đơn giản là không muốn giúp thì bất đắc dĩ phải tìm một lí do nào đó để nói vậy. Nhưng đừng bao giờ sử dụng nó quá nhiều lần và cũng đừng từ chối quá nhiều. Có lẽ đến lần thứ 3, nếu không muốn mất đi tình cảm này thì bạn nên cố mà giúp, giúp ít giúp nhiều không quan trọng bằng việc bạn đã cố gắng bao nhiêu. Chẳng ai có thể trách bạn nếu bạn đã cố gắng cả. Còn với những người bạn ghét thì sao? Tôi luôn trả lời “không” với những người tôi ghét ra mặt, còn những người tôi ghét trong lòng thì… Mà thôi, ca này khó lắm, các bạn tự tìm cách nhé .
Tình huống 4: Khi ngồi chém gió:
Khi bạn và ai đó ngồi nói chuyện (ngồi nói chuyện chứ không phải nói với nhau vài câu rồi thôi nhá) thì cũng phải có chuyện gì đó để nói. Nếu bạn thực sự tốt về một cái gì đó thì thường bạn dễ nói về điều đó hơn. Nhưng cũng cần phải chú ý xem đối phương có muốn nghe không. Nhiều khi, mặc dù đã tỏ thái độ rất rõ ràng nhưng tôi vẫn phải nghe những lời ca tụng quá lố về một công ty nào đó hoặc về một nhân vật nào đó mà tôi chẳng quan tâm, và thế là, các bạn biết rồi ấy, “tôi buồn đi tè, tôi phát hiện mình có việc bận hoặc là tôi để quên quần nhà cô bạn gái” (cafe thứ 7 số 1). 
Nếu đối phương không muốn nghe thì hãy chịu khó nói chuyện khác. Còn nếu đối phương muốn nghe thì cũng chớ có khoe khoang hay phóng đại gì, hãy nói chuyện như thể nói chuyện với những người giống bạn vậy, nhưng với một cách dễ hiểu nhất có thể. Được chia sẻ và được người khác chia sẻ đều rất sướng, hãy để cả hai cùng được sướng.
Mặc dù tôi là thằng dốt nhưng tôi lại quen được rất nhiều người giỏi, thậm chí có một vài người trong đó là bạn bè của tôi và thật tuyệt vời là họ chưa bao giờ làm tôi cảm thấy khó chịu cả. Tôi lấy làm hạnh phúc vì điều đó. 
Liệu có bạn hỏi tại sao một thằng dốt như tôi lại chơi được với các bạn giỏi trong khi tôi viết ở trên là những người giỏi thường chơi với nhau không nhỉ? Thực ra bạn như thế nào không quan trọng bằng việc bạn thể hiện để người khác nghĩ bạn như thế nào. Tôi thông minh mà, hehe.
À, nói lại chút, thông minh chỉ giúp bạn xử lí tình huống tốt hơn, học hỏi nhanh hơn chứ không đảm bảo bạn sẽ giỏi nhé. (Nói lại ở cafe thứ7 số 3 ấy)