Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Cafe thứ 7] Khi tôi là sinh viên năm nhất

Bài viết này là những quan điểm khi là sinh viên năm nhất của tôi sau mấy năm nhìn lại.
1. Chọn trường.

 Khi làm hồ sơ thi đại học, tôi đăng kí cùng ngành ở 2 trường khác nhau là Kinh tế quốc dân và Tài chính. Sau một chuỗi các kết quả không như ý muốn vào giai đoạn nước rút vào tháng 6 năm đó, tôi lựa chọn cho mình một phương án chắc chắn là thi vào Tài chính. Kết quả là tôi đã đậu. Khi nhận được giấy báo điểm, tôi nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của rất nhiều các bạn bè, anh em trong xóm còn tôi chẳng lấy gì làm vui vẻ với số điểm của mình, tôi vui vẻ vì mình đã đỗ, vậy thôi. Một số người quen biết hỏi thăm “sao mày không thi vào KTQD?”. Tôi biết, với số điểm đó tôi thừa vào KTQD, nhưng tôi cũng chỉ cười. Tôi biết, nếu tôi thi KTQD, tôi sẽ chịu áp lực kinh khủng hơn nhiều và số điểm tôi bị mất so với thực lực của tôi không phải chỉ là 1 điểm ở câu hình không gian nữa, có thể tôi sẽ chẳng thể làm được bài lượng giác và làm sai những bài khác giống như cái cách mà tôi đã được 5 điểm trong bài thi khảo sát cuối cùng trước khi tôi đi thi đại học vậy.

Thế là tôi vào trường Tài chính.

2. Chọn chuyên ngành.


Sau khi chắc suất cầm giấy báo đi nhập học. Trong hôm nhập học đó, tôi phải lựa chọn chuyên ngành. Ngành của tôi là cái ngành có nhiều chuyên ngành nhất trong trường, tôi lướt qua danh sách một lượt rồi tích ngay cái tên tôi cho là “hay nhất” – Tài chính doanh nghiệp. Sau đó, tôi được biết thêm rằng đó là một trong những chuyên ngành lấy cao điểm nhất trong trường tôi. Tất nhiên là tôi vẫn được nhận.
Khổ nỗi, khi chúng tôi ra trường, bằng của tất cả các bạn trong ngành tôi đều cũng chỉ ghi ngành “Tài chính – ngân hàng”, và học lực lúc chúng tôi ra trường. Vậy tức là tất cả chúng tôi sẽ chỉ khác nhau cái kết quả mà chúng tôi cố gắng có được trong 4 năm trong trường chứ không phải là cái chúng tôi bắt đầu ra sao. Vậy điều gì đã khiến điểm vào các chuyên ngành của chúng tôi khác nhau thế?
Thứ nhất, đó là chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, mỗi chuyên ngành của chúng tôi khác nhau có khoảng 10 tín chỉ, vậy thì lẽ ra điểm đầu vào phải không khác nhau là mấy. Nhất là sau này tôi mới biết rằng nhiều bạn chọn chuyên ngành mà không hề biết mình sẽ học cái gì. Thậm chí là học mấy năm rồi cũng chẳng biết mình đang học cái gì. Vậy không khác nào chúng tôi trả giá cao cho một ngôi nhà vì nghĩ rằng ngôi nhà đó chất lượng mặc dù chẳng biết nằm giữa những khối bê tông kia là thép hay tre nữa.
Sau khi học xong môn kinh tế vĩ mô, tôi biết được rằng tác động đến giá của một sản phẩm ngoại trừ bản thân giá trị của sản phẩm đó, còn có tác động rất lớn của quan hệ cung – cầu. Có một sự tương đồng giữa điểm đầu vào mỗi chuyên ngành và các quan hệ thị trường nếu coi một ghế ngồi trong giảng đường là sản phẩm, điểm đầu vào là giá cả và các sinh viên là khách hàng. Và tôi nhận thấy dường như giá của sản phẩm phụ thuộc nhiều vào tâm lí số đông, quan hệ cung cầu hơn là chất lượng thực tế mỗi chuyên ngành. Vậy là thay vì tự hào rằng mình đã được vào một chuyên ngành “hot” thì tôi cảm thấy mình đã bị mua đắt thì đúng hơn (tất nhiên, tôi có tiền và tôi có quyền). Sự thực điểm đầu vào chả nói lên cái gì cả, và đó là lần cuối cùng tôi quan tâm đến điểm đầu vào các chuyên ngành trong trường.
Sau này, khi nói chuyện với các em khóa dưới, tôi vẫn luôn nhắc lại là đừng bao giờ cảm thấy tự ti vì điểm đầu vào khoa mình thấp hoặc nó không bằng những khoa khác, một thằng giỏi ở khoa thấp điểm vẫn hơn đứt một thằng dốt ở khoa điểm đầu vào cao; dù sao điểm đầu ra vẫn quan trọng hơn điểm đầu vào, cốt là các em hiểu và yêu thích chuyên ngành của mình là được.Tôi cũng tư vấn cho các em chuẩn bị thi đại học là hãy tìm hiểu kĩ xem mình muốn làm gì, từ đó học ngành học nào và chọn trường nào đào tạo tốt về ngành học đó hơn là tham gia các cuộc đấu giá ngu ngốc khi chọn trường, chọn ngành và chẳng biết mình sắp được học cái gì, liệu mình có thích nó hay không. Tôi hoàn toàn không muốn những đứa em mình phải kêu trời kêu đất lên sau khi học một hai năm mới phát hiện mình không hợp, mình không thích cái mình từng thích chỉ vì thiếu tìm hiểu.
3. Chuyện trường lớp.



Nhiều người kêu trường mình hẻo lánh, sinh viên trường mình kém năng động, dốt tiếng Anh. Đó là những cái người ta khái quát được, khái quát phải đi từ cụ thể, cụ thể chính là mỗi cá nhân trong trường, không thể vì những suy nghĩ khái quát như trên mà nghĩ mình sẽ như thế được.
Bảo sinh viên mình kém năng động chứ tôi thấy trường mình, mà gần hơn là bạn bè tôi toàn những người năng động “vãi” ra ấy. Chả biết kém năng động kiểu gì mà bạn tôi có thằng lập và duy trì hoạt động của một hội đồng hương (có thể nói nằm trong top đầu trường Tài chính), đứa thì kinh doanh hết cái này cái kia, rồi chơi bời, giao lưu đủ các thể loại, nói chung chả kém gì ai cả. Dốt tiếng Anh kiểu gì mà có thằng ngồi dịch tiếng Anh như đúng rồi, đứa chém gió với khách nước ngoài như khách nước nhà. Bọn nó toàn A các học phần tiếng Anh mà gần như chẳng phải học gì nhiều. Tất nhiên, họ chỉ là số ít và tôi là người may mắn, nhưng có thể nói rằng sinh viên trường mình không kém năng động, không dốt tiếng Anh. Kém năng động hay dốt tiếng Anh là ở mỗi cá nhân của mình thôi. Sự thực mình kém, mình dốt đến nỗi không sửa được hay mình nghĩ rằng mình kém, mình dốt nên không phải sửa. Đó là một cái đáng để mỗi chúng ta phải nhìn thẳng.
Còn chuyện “hẻo lánh” với “buồn” thì tôi chẳng thấy đúng tẹo nào. Hẻo lánh với buồn làm sao mà tuần nào tôi cũng phải vào trường vài ba buổi và lần nào về cũng vui như ăn hội. “Hẻo lánh” hay “buồn” là do mỗi người thôi. Nếu trường mình có nằm ở giữa lòng Hà Nội mà sinh viên cứ học xong lại về nhà “on phây” (online Facebook) thì ở đâu mà chả “buồn”, chả “chán”. Ở nơi đâu thì nên thích ứng với nơi đấy. Nói thực là ở Tài chính còn vui chán, dịch vụ gì cũng có mà chủ yếu phục vụ sinh viên. Đường sá cũng khá là thoải mái cho sinh viên đi bộ chém gió. Chứ cứ trung tâm như trường Ngân hàng thì còn chán nữa, toàn shop quần áo đắt tiền thôi, chỗ chơi cho sinh viên có mấy đâu. Tôi từng ở xa trường hơn 2 năm, nhưng 2 năm đó không vui bằng trong trường 1 năm, một năm ở trường, đó mới thực sự là thời gian sinh viên.
4. Chuyện điểm số – công bằng.

Như ở một blog trước đây tôi đã nhắc đến điểm số này rồi, tôi không nói lại nữa. Tuy nhiên, khi hỏi điểm số của các sinh viên năm nhất thì đa phần đều kêu chán. Sinh viên kêu chán thì chắc chắn là do điểm số không được như mong muốn. Mà các nguyên nhân khiến điểm số của các em chưa được như mong muốn là: lười, chưa thích nghi được cách học mới hay do xui xẻo, đề khó,… Nói chung có hàng tá lí do để điểm kém, cũng có hàng tá lí do tương ứng để đứa kia điểm cao hơn mình mặc dù nó dốt hơn mình. Nhưng tôi phát hiện ra rằng điều đó chả có gì quan trọng. Học đại học khác hoàn toàn với học cấp 3. Nếu như học cấp 3, bạn bị hổng một giai đoạn nào đó thì các giai đoạn sau bạn cứ xác định, còn đại học thì khác. Mỗi giai đoạn là một chặng đường mới, một sự khởi đầu mới đòi hỏi người ta phải cố gắng hết mình nếu không muốn hụt hơi và hối tiếc. Người đạt điểm cao giai đoạn này không có nghĩa sẽ đạt điểm cao ở giai đoạn sau, người học dốt các môn này không đồng nghĩa với việc các môn sau cũng thế. Cố gắng, cố gắng là từ mà tôi tự nhắc mình và nhắc những người đi sau mình. Mặc dù sự cố gắng không phải lúc nào cũng đem lại kết quả, nhưng một khi chán nản, ngừng cố gắng tức là bạn đã lao đầu xuống một cái dốc thẳng đứng với một chiếc Ferrari 458 Spider, tất nhiên, đừng nghĩ đến chuyện leo lên.
5. Chuyện câu lạc bộ.

Khi tôi vào trường, tôi được một số anh chị kể lại về những câu lạc bộ nào là “hoạt động chán”, “chỉ được thời gian đầu”, “tiêu cực lắm”,… làm đến tận cuối năm 2 tôi mới tham gia một câu lạc bộ, và cũng chẳng tham gia được lâu nữa. Về sau, tôi phát hiện ra rằng đó là một sai lầm. 
Sai lầm thứ nhất là tham gia lâu dài trong một câu lạc bộ nào đó sẽ giúp tôi tích lũy được không ít kinh nghiệm, mở rộng quan hệ và cũng quan trọng không kém là có cái để ghi vào CV khi đi xin việc cho đỡ trống.
Thứ hai, trưởng các câu lạc bộ chủ yếu là các sinh viên, thường là năm 3 hoặc đôi khi là đầu năm 4. Họ cũng từ mình mà ra, vậy nên việc tham gia vào câu lạc bộ và làm nó sôi động lên cũng không phải là cái gì quá khó khăn nếu bạn có đầu óc và có khả năng làm việc. Còn nếu bạn không có khả năng và đầu óc của bạn cũng không thực sự tốt thì cũng đừng đổ lỗi hay ca thán người khác làm gì. Học tập được họ xong cái đã.
Thứ ba, tiêu cực là chuyện bình thường. Tiêu cực có mặt ở khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách của xã hội mà nếu muốn có một chỗ không có tiêu cực thì chắc chỉ có thể ở trong quan tài – nơi chỉ có một mình bạn mà thôi. Vậy nên thay vì chống đối nó (vì chống cũng chẳng được), hãy chấp nhận nó như là một lẽ thường của cuộc sống. Được thì mừng mà trượt thì để mừng sau, chẳng có gì để hối tiếc cả.
Mặc dù các câu lạc bộ còn nhiều điểm tối, nhưng khi là sinh viên, hãy chọn và tham gia hết mình trong một câu lạc bộ nào đó.
6. Chuyện bạn bè.

Người ta bảo bạn bè ở trường đại học không thân được như cấp 3, bạn bè đại học thực dụng, tính toán, blabla các kiểu. Nói chung là chán. Tôi cũng từng mang tư tưởng này nhưng sau này, khi sắp ra trường tôi mới phát hiện mình đã nhầm. Tôi luôn muốn hỏi lại những người kêu chán rằng “các bạn đã thực sự sống theo đúng nghĩa bạn bè chưa hay mang tư tưởng bạn bè chỉ lợi dụng nhau nên mình cũng sống như thế?” Trước khi muốn người khác làm gì cho mình, bản thân mình phải làm được điều đó trước. Khi bạn đối tốt với 10 người, tôi không chắc 10 người ấy sẽ đối tốt lại hết với bạn, nhưng sẽ có những bạn sẵn sàng đối tốt với bạn gấp 10 lần bạn đối tốt với họ. Tôi nhận ra điều này khi tôi phát hiện ra có một số người sẵn sàng làm rất nhiều việc cho tôi chỉ đơn giản vì tôi đã hết mình vì họ trước (mặc dù tôi không nhớ là mình đã làm những gì). Thậm chí có bạn còn chẳng ngại ngần gì nói với bạn cấp 3 của bạn ấy rằng tôi là thằng bạn thân nhất của nó, mặc dù chúng tôi lâu lâu chẳng hỏi thăm nhau và hôm đó tôi cũng chẳng có chuyện gì đáng để nhắc đến cả (như là tôi trúng gió và đang nằm trong viện chẳng hạn). Thực sự những lúc đó rất sướng. Nếu chỉ tính bạn bè đại học thôi, thì tôi cũng đủ bạn để thực hiện các buổi cà phê một mình, hai mình và nhiều mình rồi. Hạnh phúc trong chuyện bạn bè chỉ có thế (sẽ nói về hạnh phúc ở một blog nào đó sau).
 Cái quan trọng không phải bạn bè có thể ở bên nhau bao lâu mà là tình cảm dành cho nhau thế nào. Hãy hết mình vì bạn bè trước.
7. Chuyện yêu đương.
Đừng vội vã, đừng ngộ nhận, đừng cả nể, đừng thương hại với tình yêu.
Thay cho lời kết
Trường cấp 3 cho ta sống trong một lâu đài nguy nga, tráng lệ và bảo ta yêu cuộc sống này.
Trường đại học cho ta sống trong một lâu đài cũ nát, một bầu trời xám xịt và để ta tự hét lên: “Ta yêu cuộc sống này”.