Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Chông chênh chuyện viết.

Tút này không phải kể chuyện tình yêu.
Trong chuyện tình yêu, nếu ai không yêu theo kiểu gặp mặt, tán tỉnh rồi yêu trong một nốt nhạc thì sẽ có một giai đoạn chuyển giao từ tình bạn/anh em sang tình yêu. Tạm gọi đây là giai đoạn quá độ.
Ở giai đoạn này, tình cảm đã trên mức tình bạn nhưng lại chưa thể thành tình yêu. Quan tâm thêm một chút thì thấy mình hơi quan tâm quá mà quan tâm ít đi lại thấy không đủ. Suy nghĩ cũng vì không biết ý người kia thế nào. Chông chênh ở giữa. Nếu coi yêu đương giống với việc hai người buộc một chân vào nhau rồi cùng trèo thang thì đây là giai đoạn mà dễ có một người bước vội. Kết quả là cả hai đều ngã dập mặt, chuyện tình cảm không đi đến đâu.
Như đã nói ở trên, cái tút này không phải để kể về chuyện tình yêu. Nhắc đến tình yêu chỉ là một cách vào đề, mượn tình yêu để nói về chuyện khác, vì cái cảm giác bây giờ cũng tương tự cảm giác tình yêu đang trong giai đoạn quá độ.
Đó là chuyện viết.
Hẳn không khó để nhận ra tôi chơi Phây không giống với nhiều người. Không phải “buồn là khóc hay vui là cười”, tất cả cùng pốt lên Phây. Ngày nào tôi cũng vào mục ngày này năm xưa để xóa những bài viết theo kiểu buồn vui gì cũng lên khoe Facebook. Cụt lủn, ít giá trị lưu trữ. Với tôi, chuyện vui thì pốt lên cũng ok, nhưng chuyện buồn thì không cần phải pốt lên làm gì. Cơ bản nếu có chuyện khiến bản thân cảm thấy buồn bực, căng thẳng, chán chường bất kể vì lý do gì thì việc pốt lên Phây cũng chỉ có tác dụng giải quyết tâm trạng một cách tạm thời, gốc rễ vấn đề vẫn còn đó, rồi sẽ lại buồn bực, căng thẳng, chán chường. Kêu nhiều lại thành ăn mày lòng thương hại. Có khi pốt lên lại khiến vấn đề nghiêm trọng hơn. Những lúc đó, nếu muốn bày tỏ quá, không nhịn được thì phải tìm cách nhét vào câu chuyện khác để khi nào đọc lại còn thấy ít ra nó cũng có chút giá trị.
Tôi cũng không phải nhà báo. Tôi không có trách nhiệm phải cập nhật tình hình thời sự, cũng không cần thiết phải đưa ra ý kiến về mọi vấn đề xã hội. Bản thân tôi cũng không muốn bàn về những chuyện xung quanh quá nhanh vì như thế dễ nóng vội, trở thành con bò bị dắt mũi. Nhưng khi muốn viết thì sự việc đã không còn là “hot trend”, viết ra có khi thành nhắc lại những thứ mà ai cũng biết, hoặc có khi chẳng còn ai quan tâm. Viết chuyện to thì không đủ tầm, chuyện khác thì bản thân không đủ quan tâm để viết. Viết gì vẫn luôn là một câu hỏi khó.
Động cơ viết là gì? Viết để thỏa mãn bản thân thôi hay còn để chia sẻ? Nếu chỉ để thỏa mãn bản thân thì không cần phải viết vì những suy nghĩ trong đầu khi chưa chuyển qua đôi tay gõ phím đều hay ho hơn bất kì thứ gì được viết ra rồi. Mà để chia sẻ thì chia sẻ cho ai? Để trở thành người đủ khả năng kiếm được tiền trên bàn phím hay chỉ là một thằng có tài lẻ viết dài hơn nhiều người khác? Cảm giác đó tương tự với việc đắn đo để trở thành người yêu hay chấp nhận là bạn bè cho an toàn. Chông chênh ở giữa.
Người đặt câu hỏi như vậy tức là không chấp nhận ở mức hiện tại nhưng lại không đủ tự tin sẽ hoàn thành mức sau. Mà để đạt được mức sau thì tự tin thôi không đủ, còn phải trả giá nhiều. Cái giá nhiều khi là rất đắt, trả thẳng một lần hoặc trả góp dài dài, có khi cả cuộc đời không trả hết.
Mặc dù khi yêu, tình cảm xuất phát từ trong lòng, quan tâm cũng là ước muốn của bản thân nhưng người ta vẫn mong được đáp lại, mong có một danh phận nào đó. Dẫu biết rằng “viết là một nghề rất cô độc” nhưng những lúc yếu lòng, người ta cũng mong được đáp lại, mong một ngày sẽ có được danh phận. Chông chênh ở giữa.
Previous Article
Next Article