Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Chuyện nút “like”

Từ nút like…

Nút like được Facebook cho ra mắt vào tháng 4/2010 và được miêu tả: “Like là cách người dùng đưa ra phản hồi tích cực và kết nối đến những thứ họ quan tâm”. Nó giúp người sử dụng thể hiện sự “thích”, tán thành, ủng hộ một thông tin nhất định trên Facebook và trên diễn đàn, website tin tức, blog… (nơi “Like” được tích hợp). Tuy nhiên, sau gần 3 năm tồn tại, có lẽ chức năng của nút Like đã vượt xa những gì mà ngài CEO của Facebook có thể tưởng tượng ra được khi quyết định ra mắt nó.

…đến những người cuồng “like”...

“Những người cuồng like” có thể là những người cuồng nhận “like” và những người cuồng bấm like. Chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra những người cuồng nhận like có trước hay những người cuồng bấm like có trước. Nhưng mà chắc là những người cuồng nhận like có trước.

Vì cái ý nghĩa ban đầu của “like” là “thích”, mà ai lại chẳng muốn mình được nhiều người thích. Nhiều người còn tin rằng nhận được càng nhiều like tức là mình càng có sức hút. Chẳng thế mà những cái status lãng xẹt, vô thưởng vô phạt của anh chàng ca sĩ hay cô nàng hot girl nào đó lại nhận được hàng ngàn like trong khi đó những cái status đầy ý nghĩa, thú vị và dí dỏm (như của t chẳng hạn 😛 – chém đấy) lại chỉ nhận được số like rất hạn hẹp (Chắc chưa cần đếm trên đầu ngón chân). Và theo một nghiên cứu ở Đức thì nhiều người cảm thấy ghen tị chỉ vì người khác nhận được quá nhiều like, trong khi status của mình không một ai ngó ngàng đến làm họ cảm thấy không vui, thậm chí hụt hẫng, tự kỉ vì cảm thấy mình không được ai quan tâm, bị thờ ơ.

Tất nhiên là đa số mọi người đều muốn mình được quan tâm, mình được nhiều người thích, mình có sức hút, mình được “like”. Một số trong họ làm mọi cách để có like. Nếu người khác chỉ có thể click like nếu họ nhìn thấy cái gì đó của bạn thì cách đơn giản là hãy xuất hiện trước mặt họ nhiều hơn. Vậy là có những người 10 phút lại đăng một status. Cái status đó có thể nói về bất kì cái gì, có thể chỉ là thông báo nơi đang ở, dù chỉ một lát sau họ sẽ lại ở một địa điểm khác (và post một cái status khác); cũng có thể là những câu chuyện cười, những câu (chuyện) tình cảm có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu mà đôi lúc cũng chẳng phải tình cảm thực của người ta lúc đó (thể loại này cũng hay được like); mà cũng có thể là những status về tình cảm. Status về tình cảm của mình thì không sao, nhưng xem ra một số người lại thích bi kịch hóa cuộc sống của mình để tìm kiếm sự quan tâm (mà thực ra là sự thương hại) trong khi thực tế họ có rất nhiều những người bạn thực quan tâm. Mải mê tìm kiếm sự quan tâm ảo, sớm muộn cũng mất đi sự quan tâm thực… Một số người khác “lành nghề” hơn, nhờ có lợi thế ngoại hình (và tốt hơn nữa nếu có những đường cong hoàn hảo), họ tích cực chụp ảnh với các tư thế hoặc là nai tơ ngơ ngác hoặc là gái đẹp chịu chơi để post lên. Khi không có thời gian chụp ảnh hay là hết tư thế chụp ảnh, họ biên tập lại những bức ảnh của mình, lồng vào những cái khung và post lên như thể những bức ảnh đó chưa được đăng bao giờ kèm theo là những dòng miêu tả chẳng-liên-quan (có thể lại là những câu và chuyện tình cảm nói trên). Tất nhiên, những người như trên vẫn luôn có được một sức hút nhất định với một số người (vì họ vẫn luôn nhận được like), tuy nhiên với một số người còn lại, do quá quen với những thứ không thể nhàm chán hơn, chủ nhân của những status trên lại có sức đẩy mạnh hơn sức hút. Và nếu một ngày sức đẩy lớn quá thì sớm muộn người đó cũng văng ra khỏi friend list, thậm chí văng luôn vào danh sách chặn.

Có cầu ắt có cung, có những người cần được like thì cũng có những người sẵn sàng bấm like. Tưởng chừng vì hầu như ai cũng thích được like thì những người chuyên bấm like sẽ được nhiều người yêu quý nhưng hóa ra lại không phải.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội, sự phát triển của chiều dài Iphone, nút “like” đã vượt ra ngoài ý nghĩa ban đầu là “thích”, và cái lí do bấm like cũng muôn hình vạn trạng lắm. “Tôi bấm like khi tôi thấy điều gì đó thú vị và biết đâu tôi có thể quay lại xem”, “tôi bấm like để chia sẻ, biết đâu bạn bè cũng sẽ thích nhó như tôi”, “tôi bấm like để bạn bè biết rằng tôi đã đọc”, “tôi bấm like vì đơn giản bấm vào nó sẽ thành nút unlike” và muôn vàn các lí do khác để bấm like. Nếu mà những cái like đó cứ để mình những người like xem thôi thì không sao. Vấn đề nằm ở chỗ Facebook đăng cả những cái thích của bạn bè trên trang chủ. Chính vì thế nên mới có tình trạng thay vì hiển thị những chia sẻ của bạn bè, Facebook lại hiển thị những cái “thích” và những chia sẻ của những cái-gì-đó-chẳng-quan-tâm. Nhưng có lẽ cái này đáng trách Facebook hơn là trách những người bấm “like”. Vì “thích” là quyền con người cơ mà. Nhưng xin những người bấm “like” hãy đọc trước khi bấm, đừng có “like” mọi lúc, “like” mọi nơi, như thế dễ dẫn đến tình trạng lạm phát nút “like” lắm. Đừng để những nút “like” của mình mất giá trị.

…và những hội khát “like”

Chẳng biết chức năng fanpage được lập ra khi nào, nhưng bây giờ nó là một chức năng được sử dụng rất nhiều (nếu không muốn nói là tràn lan). Mục đích lập ra của những fanpage rất khác nhau. Có những fanpage lập ra để cung cấp thông tin (không nhất thiết của admin), có những fanpage lập ra mang tính kinh doanh (fanpage của các shop trực tuyến, các trung tâm tiếng Anh,…), có những fanpage để thể hiện sự ngưỡng mộ, có những fanpage thể hiện sự căm ghét (thật chẳng giống nghĩa của chữ “fan”), cũng có những fanpage lập ra chỉ để một ai đó thử cảm giác làm admin. Mặc dù mục đích của các fanpage là khác nhau nhưng chắc chắn là các trang đều muốn có nhiều người biết đến, theo dõi – tức là có nhiều người “like”. Và để có được những cái like thì các fanpage đã sử dụng rất nhiều cách khác nhau. Một số cách trong đó có thể nói là “thảm họa”.

Nói về những cách câu “like” sơ khai ban đầu đã. Cách đó chỉ đơn giản là post những nội dung thú vị về những thứ mọi người quan tâm mà liên quan đến fanpage thôi. Những người cùng sự quan tâm họ sẽ thấy thích và click “like”. Ví dụ đơn giản nếu tôi là admin của một trang fanpage của một đội bóng nào đó (Wolverhampton – đội bóng bị xuống hạng ở giải ngoại hạng Anh mùa trước khi chỉ có 3 chiến thắng chẳng hạn), tôi sẽ liên tục cập nhật các thông tin về đội bóng, thông tin các cầu thủ và bla bla các kiểu. Với những thông tin đa dạng, chính xác, phù hợp thì chắc chắn các fan hâm mộ của đội bóng này chẳng ngại ngần gì mà click “like”. Đây có thể được nói là cách câu “like” sạch và câu “like” thực. Nhưng dùng cách này thì kiếm được “like” cũng khá lâu, nhất là phát triển từ đầu nữa thì không biết bao giờ mới có được số like đủ lớn.

Để câu được like trong thời gian ngắn, không ít các fanpage đã sử dụng các chiêu trò khác nhau. “Like nếu bạn yêu nước”, “Like nếu bạn là người Việt Nam”, “Like nếu bạn yêu mẹ”, “Like nếu bạn thích người này”,… thật ngớ ngẩn khi “like” những status hay những bức ảnh có những dòng chữ như thế. Anh chẳng có quyền phán quyết tôi chỉ vì tôi không thích anh, chẳng ai có quyền như thế. Tôi vẫn là người Việt Nam, tôi vẫn yêu nước, vẫn yêu mẹ tôi kể cả tôi không “like” những cái hình ảnh hay trạng thái của anh đi nữa. Và buồn cười ở chỗ có những thay vì thể hiện tình yêu đất nước, tình yêu mẹ, hay thứ tình cảm nào đại loại thế bằng những hành động cụ thể đối với những con người cụ thể thì họ lại mất thời gian ngồi onl trên mạng chỉ để chứng minh cho mọi người thấy tình cảm của mình (?!). Tương tự thế là những bức ảnh đại loại như là “Like nếu bạn thích Messi hơn và comment nếu bạn thích Ronaldo hơn”. Ơ, thế fan của Messi không biết đánh máy à? Nhưng như thế vẫn còn chưa là gì. Để có được những cái like, nhiều trang còn cắt ghép những hình ảnh lại, dựng lại thành một đoạn truyện tranh (người ta gọi là chế), mà nhiều đoạn truyện đó lại rất nhảm nhí và không có thật. Chẳng hiểu sao, nhiều người thích cái gì thì lại thích biến cái đó thành nhảm nhí. Và có lẽ thảm họa sẽ không xảy ra nếu như người ta chỉ dùng nó để mua những tiếng cười (nhạt), khổ cái nhiều người lại tin sái cổ vào những chuyện chế đó. Chẳng thế mà Suarez bị FA phạt vì kêu “đen vkl” trước mặt Evra khi không ghi được bàn (thực tế là do anh này có lời lẽ xúc phạm màu da của hậu vệ người Pháp), hay Sir Alex kêu Hazard có thể đạp chết cậu bé nhặt bóng trên sân của Swansea (thực tế Sir Alex chẳng ở trên sân và cũng chẳng có bình luận gì). Nhưng việc làm trên đã bị một số fan ít nghĩ của Liverpool và một số antifan không nghĩ của MU phản ứng dữ dội (=))). Rồi chưa kể các chức năng của nút “like” được thổi phồng lên khi mỗi “like” sẽ được tổ chức nào đó quyên góp một chút tiền cho ai đó, “like” để nhận áo Facebook, “like” để ai đó hết bệnh, “like” sẽ nhận được may mắn, “like” để…, để…, … Nếu mà nút like có khả năng như thế thì e rằng người ta nên đặt nút “like” ở sàn mọi chiếc xe buýt, đặt nút “like” ở mọi nhà hàng, đặt nút “like” ở mọi ngõ ngách, đặt nút “like” ở bất kì đâu.

Sự thật đằng sau nút “like”

– Các click “like” của bạn được rao bán trên mạng với giá từ vài chục đến vài trăm đồng một lần click. (Dường như có ai đó bán một hành động chưa mất đến một giây của bạn để lấy một số tiền nhỏ xíu thì cũng chẳng vấn đề gì. Nhưng hãy nhớ rằng bạn có thể là những lao động không công hoặc con rối cho một ai đó. Hãy tưởng tượng có người được trả tiền để khiến bạn thích một ai đó. Cảm giác như bị lừa tình phải không)

– Nút “like” từng bị vấp phải rất nhiều sự phản đối vì dính nghi án theo dõi người dùng, kể cả khi bạn đang không bật Facebook, không click “like” (thật chả vui tí nào khi phải sống trong nhà dưới những cái máy quay, mặc dù mình chẳng làm gì cả)

– Kể cả nút “like” không theo dõi người dùng như trên thì mỗi khi click “like”, dữ liệu sẽ được lưu vào tài khoản của bạn dựa vào đó để thiết lập các sở thích, thói quen của bạn. Facebook có thể dùng những thông tin đó để bán các quảng cáo và xui xẻo nếu các hacker lấy được chúng và thực hiện vào các mục đích xấu.

Lời kết:

Câu “like” là chuyện của bạn, đi “like” cũng là chuyện của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng dù là chuyện của bạn thì nó vẫn có ảnh hưởng ít nhiều đến người khác. Đừng có quá lạm dụng để thay vì gây sức hút lại gây sức đẩy, thay vì bạn bè muốn được bạn “like” thì lại ghét bạn “like”. Và hãy nhớ rằng khi “like” và sử dụng một ứng dụng nào đó trên Facebook, hãy đọc kĩ các điều khoản sử dụng kẻo đến khi trên timeline của bạn xuất hiện chi chít những tin “…đã thích một bài báo yyy” nào đó lại kêu ai vào tài khoản của mình nhé.