Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Kinh nghiệm ôn thi đại học – Hãy đặt mục tiêu

Hôm nay là ngày 4/6, còn đúng 1
tháng nữa là các sĩ tử dự thi khối A sẽ phải thi những môn thi đầu tiên. Nhưng
theo kinh nghiệm của t thì từ ngày 1/7, các bạn sẽ chẳng có tâm trí đâu để mà học
nữa. Do đó thực tế các bạn chỉ còn 26 ngày để học. Đây là giai đoạn nước rút
quan trọng quyết định rất nhiều đến tâm lý và khả năng làm bài của các bạn trong
những phút thi chính thức. Vậy nên, trong giai đoạn này cần phải chuẩn bị một
lượng kiến thức tốt nhất có thể, đồng thời vẫn phải giữ được sức khỏe và tinh
thần. Sau đây là một số kinh nghiệm cá nhân thôi, các sĩ tử có thể tham khảo và
các bạn đã thi qua rồi thì góp ý.
Hãy đặt mục tiêu!
Tại sao phải đặt mục tiêu?
Hầu như tất cả mọi người đi thi đại
học đều mong muốn mình đạt điểm cao nhất có thể, nhưng chẳng ai xác định rõ đâu
là điểm mình có thể và đâu cần đạt đến cả. Đây là một sai lầm khá lớn.
Thứ nhất, nếu không biết đâu là mục
tiêu, bạn rất dễ bị đánh mất tâm lí trong trường hợp hôm đó bạn gặp may mắn
nhưng bạn không tận dụng được. Giả sử nhá, thi xong môn toán bạn áng chừng mình
được 8 điểm trong khi thực tế, nếu bình thường bạn hoàn toàn có thể được 9. Nếu
bạn không đặt trước mục tiêu cho mình, có thể bạn sẽ buồn và mang nặng tâm lí
những môn sau. Nhưng nếu bạn chỉ đặt mục tiêu là 8 và hoàn thành tốt 2 môn sau
thì ok rồi, chẳng có gì đáng lo cả.
Thứ hai, cách học của người có mục
tiêu 7 điểm sẽ khác với người có mục tiêu 9 điểm. Học chắc 100% của 70% kiến thức
và học chắc 70% của 100 kiến thức đều có thể sẽ giúp bạn có được 7 điểm nhưng
theo phương án 1 sẽ có rủi ro thấp hơn và đáng lựa chọn hơn, điều gì xảy ra nếu
hôm thi đa phần bài thi đều nằm trong 30% kiến thức mỗi phần mà bạn không chắc?
Mà không, chỉ cần một vài ý đầu rơi vào đúng phần bạn không học thôi là đã đủ tệ
hại lắm rồi. Vậy làm thế nào để học được theo cách 1? Hãy đặt mục tiêu và thực
hiện nó.
Đặt mục tiêu như thế nào?
Việc đặt mục tiêu còn phụ thuộc
vào khả năng hiện tại và trường sẽ dự thi của mỗi người. Mục tiêu không nên cao
quá, cũng không nên thấp quá. Mục tiêu cao quá dễ làm bạn nản, đặt mục tiêu thấp
quá dễ khiến bạn chủ quan. Điểm hiện tại của bạn càng thấp thì càng có cơ sở để
bạn đặt mục tiêu cách xa hơn một tí. Dù sao thì để tăng từ 3 điểm lên 6 điểm vẫn
dễ hơn là từ 6 điểm lên 9 điểm. Hãy nhớ, thà đặt mục tiêu 2 điểm nhưng chỉ tăng
thêm có 1 điểm rưỡi còn hơn đặt mục tiêu 1 điểm và tăng lên đúng số đó. Và hãy
nhớ, mục tiêu của bạn phải đảm bảo bạn có khả năng có một suất học ở trong trường
đại học mà mình đăng kí.
Cách thực hiện mục tiêu.
Nếu mục tiêu của bạn là 7 điểm,
hãy tìm ra 7 điểm mình có thể làm trọn vẹn nhất. Với các môn như Toán, Lý, Hóa,
Sinh (các môn còn lại thì t không rõ do t không thi) thì đều có thang điểm
riêng cho mỗi phần. Vậy nên hãy tìm kiếm những phần mà bạn cảm thấy mình dễ nhớ,
dễ làm nhất để học thật chắc. Phải chắc chắn được đến 90% điểm 7 đó nếu bạn đã
đặt ra mục tiêu.
Nhưng đừng có chỉ học 7 điểm đó.
Biết đâu, trong một ngày may mắn, cái phần bạn cảm thấy đáng sợ nhất lại dễ
dàng hơn bạn tưởng thì sao? Phải có sự chuẩn bị để đón nhận sự may mắn chứ. Hãy
học 3 điểm còn lại, nhưng học đủ để giải những bài tập cơ bản thôi, 7 điểm mục
tiêu vẫn là quan trọng nhất.
Ôn thi sao cho hiệu quả.
Theo t thì cái quan trọng không
phải bạn học ở những đâu, học bao lâu mà là học như thế nào. Học tập là một quá
trình lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà học hết được. Các bạn ở các tỉnh
không tổ chức thi, việc lên các thành phố lớn như Hà Nội hay Hồ Chí Minh để ôn
thi là không cần thiết, thậm chí phản tác dụng vì “nóng quá sao mà học!”, “đông
quá sao mà học!”,… Mà dù bạn có học ngược học xuôi mà không tự học thì cũng vứt.
Theo t, chỉ cần học 1 người có khả năng hệ thống kiến thức cho bạn (trước kia t
chọn chính các thầy cô giáo dạy cấp 3 của mình và không học thêm ngoài ở đâu cả),
còn đâu là tự học, thế là đủ. Chỉ có tự học thì bạn mới nhớ và ngồi vững được
trong phòng thi khi tâm lí đang đè nặng.
Phía trên là kinh nghiệm chung
chung thôi. Kinh nghiệm học riêng từng môn thì các bạn có thể tham khảo ở link ở
dưới. Mặc dù cũ nhưng cũng không phải là không có giá trị.
Chúc các sĩ tử chuẩn bị nền tảng
kiến thức tốt để bao giờ đọc blog t viết về việc chuẩn bị tâm lí đi thi tốt sau
😛

Previous Article
Next Article