Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Làm gì khi được kết bạn?

Phần II – Kỉ nguyên Facebook


Với nhiều người, việc nhận được một yêu cầu kết bạn là chuyện hết sức bình thường nhưng với một thằng có số lượng bạn bè chưa đến 200 cùng với việc chẳng có gì nổi trội cả trên Facebook và ngoài đời thì việc có một yêu cầu kết bạn được gửi đến có thể ví như Linkin Park đến Việt Nam vậy.
Khi nhận được một yêu cầu kết bạn, việc đầu tiên, như một thói quen là vào trang cá nhân của người đó xem người đó là người quen hay không, nếu là người lạ thì xem xem mặt mũi ra sao, đã gặp ở đâu chưa, thông tin cơ bản thế nào, có những ai là bạn chung. Ngay sau đó, một câu hỏi có thể được ví với một dòng điện có hiệu điện thế 50kV, cường độ dòng điện 1000A nhưng chỉ có tác động trong nửa giây hiện lên trong đầu: “Đồng ý kết bạn hay không?
Nhiều người, họ trả lời câu hỏi trên rất nhanh, rất dứt khoát và có thể là trả lời trong vô thức thậm chí chẳng cần xem xét nhiều; với một số người khác, họ trả lời câu hỏi trên một cách có ý thức hơn theo kiểu xinh thì đồng ý, xấu thì cho qua; nhưng với tôi, đây là một câu hỏi không dễ giải và câu trả lời là “có” hay “không” đều mang tới những cơ hội và rủi ro nhất định.
Giả sử câu trả lời là “có” thì tôi đang chờ đợi điều gì từ người bạn online mới này khi mà về chuyện bạn bè tôi tự thấy khá thỏa mãn rồi? Tôi đã có những người bạn mà có thể ngồi với nhau hàng giờ để tâm sự về cuộc sống, công việc, tình cảm,… Tôi cũng đã có những nhóm bạn để chém gió, chơi bời vui vẻ mà không cần thiết phải quan tâm xem đối phương có quan điểm thế nào về cuộc sống, tình cảm,… Còn nếu thêm một bạn chỉ để thêm một cái nick sáng trong danh sách các bạn online; thêm một số cái like lạnh lùng trên một số dòng trạng thái, chẳng biết bên kia thích nội dung được viết hay thích cách viết hay thích chỉ vì status đó đã được viết;… thì tôi cũng có hàng tá trong danh sách bạn bè mà muốn xóa đi chẳng hết rồi.
Có lẽ thứ còn thiếu duy nhất và có thể trông chờ vào một số người bạn ảo mới là những người đọc những dòng được viết trong những lúc ngớ ngẩn của tôi, bình luận về nó một cách hào hứng, xen lẫn trong đó là một chút thích thú, một chút tò mò, một chút ngưỡng mộ hay gì gì đó đại loại thế. Nhưng lại có 3 vấn đề phát sinh ở đây. 
Thứ nhất, điểm mạnh nhất, có thể gây được sự chú ý lớn nhất của mọi người của tôi là sự thông minh và hóm hỉnh. Tuy vậy sự thông minh và hóm hỉnh của tôi lại chỉ ở mức đủ dùng, không thực sự nổi bật (tức là chỉ đủ để tôi cảm thấy những gì mình viết ra cũng không quá ngu ngốc và nhàm chán, tất nhiên là tôi vẫn sử dụng sự thông minh và hóm hỉnh đó vì ngoài chúng ra, tôi chẳng biết phải làm gì để người khác chú ý đến mình hơn cả). Nói thế có nghĩa là tôi có thể có những dòng trạng thái hội đủ 2 yếu tố trên để khuyến khích mọi người tương tác với tôi tuy nhiên trên cái mạng xã hội có hàng triệu người sử dụng thì có hàng trăm nghìn người khác thông minh hơn tôi, hóm hỉnh hơn tôi. Tôi giống như một món quà lưu niệm đẹp nằm giữa hàng tá những món quà lưu niệm khác lung linh hơn gấp tỉ lần, tất nhiên là nếu được chọn thì người ta sẽ không chọn tôi và có thể tôi sẽ nằm ở cửa hàng từ năm này qua năm khác, lâu đến nỗi chính chủ cửa hàng cũng chẳng thể nhận ra sự tồn tại của tôi nữa.
Thứ hai, mặc dù thông minh và hóm hỉnh ấy nhưng tôi bộc lộ nó trên Facebook rất ít. Vào cái hồi còn hoạt động mạnh thì một ngày tôi cũng chỉ đăng 1 status, tối đa là đến cái thứ 2. Bây giờ thì hàng tuần tôi mới đăng một cái, thậm chí tôi còn không chắc được rằng những người bạn trong danh sách bạn bè của mình còn nhớ được sự tồn tại của tôi trên Facebook nữa không. Có thể họ nghĩ rằng tôi khóa nick hoặc bị hack mất rồi cũng nên. Và vì hoạt động ít như vậy nên những người bạn mới chẳng có nhiều cơ hội để biết được tôi thú vị đến mức nào, và khi sự kiên nhẫn của họ không còn, tôi không thể chứng minh được sự thú vị của mình thì tôi sẽ không thể có những người bạn thích thú chú ý đến những status của tôi được.
Vấn đề thứ ba, nếu nhận lời kết bạn mà chỉ trông chờ người khác quan tâm đến mình còn mình thì chẳng có tí tình cảm nào thì xem ra hơi thiệt thòi cho những người mang danh “bạn bè” này quá.
Chính vì thỏa mãn với những bạn bè ngoài đời của mình và 3 lý do khiến cho kì vọng về những người “bạn” online nhiều khả năng sẽ không được đáp ứng nên câu trả lời của tôi thường là “không”. Tuy nhiên trả lời “không” như vậy không phải là không có chút gì đắn đo.
Cái đắn đo của tôi không phải là sợ người khác nghĩ mình kiêu. Sợ người khác nghĩ mình kiêu không nằm trong từ điển của tôi bởi vì… tôi kiêu thật, mà cũng chưa biết được một kẻ thích làm điều mình muốn và một kẻ thích người khác làm điều mình muốn thì đâu mới là kẻ kiêu (ngạo) hơn và vì với tôi, việc gọi người khác là “bạn bè” mà lại đối xử với người ta như thể với người lạ thì đó mới là cái kiêu thực sự. Vậy nên tôi vẫn “kiêu” như thế, vẫn không kết bạn với người mình không (chưa) thích kết bạn và để họ trong nhóm follower. Nếu cảm thấy chán ghét việc phải trở thành người theo đuôi (follow) tôi chỉ vì lời mời kết bạn chưa được trả lời thì họ hoàn toàn có thể vào trang của tôi, click vào nút “follow” và chọn “unfollow” một cách đơn giản, nhẹ nhàng, chắc sẽ ấm ức một chút nhưng thà thế còn hơn ấm ức về sau này.
Cái mà khiến tôi cảm thấy đắn đo là việc có phải mình đã bỏ lỡ cơ hội có được một người bạn “offline” tốt hay không. Nói là thỏa mãn với những người bạn ngoài đời của mình nhưng có thêm bạn lúc nào cũng tốt, và thực tế thì trong danh sách bạn bè thực của tôi, có nhiều người là từ bạn online mà thành. Một số trong đó còn để lại cho tôi những kỉ niệm thật khó quên. Nói chung, đôi lúc với những người quan tâm đến mình, mở lòng ra một chút cũng tốt, và đồng ý lời mời kết bạn chính là bước đầu của sự mở lòng ấy…
Như đã nói trước, tất cả những suy nghĩ trên chỉ tồn tại trong vòng nửa giây cho đến khi tôi kết thúc việc nhìn chằm chằm vào câu hỏi của Facebook và đưa chuột click vào nút “Not now”. Tất nhiên, sẽ có một lúc nào đó tôi sẽ xem xét lại quyết định của mình.

Mà thực ra thì một người “bạn” ngoài đời chắc gì đã tốt bằng một người bạn chưa gặp mặt bao giờ…

Previous Article
Next Article