Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Lan man về giáo dục

̶N̶̶g̶̶à̶̶y̶ ̶c̶̶u̶̶ố̶̶i̶ ̶c̶̶ủ̶̶a̶ ̶k̶̶ì̶̶ ̶c̶̶h̶̶u̶̶y̶̶ể̶̶n̶ ̶n̶̶h̶̶ư̶̶ợ̶̶n̶̶g̶. Nhầm, ngày cuối của kì tuyển sinh đại học đợt một, phụ huynh lo lắng, thí sinh sốt sắng, những con số nhảy múa trên màn hình. Mọi định hướng đã không còn quan trọng, mọi toan tính đã dần sụp đổ. Những suy tính về học ở đâu, sau này làm gì không còn quá quan trọng mà chuyển dần sang một suy tính khác rõ ràng và hiện hữu hơn, đó là đỗ hoặc trượt. Đại học đã thành học đại như thế.
Một câu chuyện khác, một học sinh đã phải gọi điện đến giáo viên Tiếng Anh đang luyện Ielts cho mình thu xếp học muộn hơn vì em phải học tất cả các buổi trong tuần từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. 12 tiếng, 3 buổi học, 7 ngày trong tuần với một học sinh lớp 10. Kinh khủng!
Trong suốt 12 tiếng đó, các em được học những gì? Đó có thể là hình ảnh của obitan nguyên tử, các bộ phận của tế bào hoặc biến đổi một biểu thức lượng giác,… tất cả chỉ để phục vụ cho một kì thi được tổ chức diễn ra sau gần 3 năm với “đúng tinh thần của bộ”: “Gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân” rồi sau đó hầu hết kiến thức sẽ trôi về một nơi xa lắm, không có chút ứng dụng gì.
Thực ra, kiến thức cấp 3 không phải hoàn toàn là vô dụng, trừ việc để đi làm gia sư dạy cho các thế hệ cấp 3 khác thì vẫn có những người dùng các kiến thức để phục vụ công việc. Nhà toán học vẫn nhớ đạo hàm, tích phân; ai làm về hóa chất sẽ nhớ phản ứng điều chế axit, dân điện tử sẽ nhớ tranzito, tụ điện,… Nhưng họ nhớ không phải vì cấp 3 dạy họ nhớ mà do những công việc, đòi hỏi ở họ, họ được học thêm, được thực hành trên con đường tìm đến nghề nghiệp của mình.
Dù cái điệp khúc “giảm tải” đã được ca lên đến cả chục năm nhưng sách vở vẫn rất dày và cặp sách vẫn rất nặng. Các nhà biên soạn có lý do để đưa thêm kiến thức vào sách giáo khoa của mình. Vì chúng “cần thiết”. Mà cần thiết với người này chắc gì đã là cần thiết với người kia. Phải chăng có một sự đánh tráo khái niệm khi cho rằng “phổ thông” là trong một đám người, sẽ có người cần nó chứ không phải mang theo nghĩa gốc – đa số mọi người đều cần nó.
Sự nhồi nhét khiến học sinh phải học những thứ chúng không thích cũng không thực sự cần rồi chìm dần trong áp lực thi cử, không còn thời gian phát triển khả năng cá nhân, không còn thời gian học thêm những gì chúng muốn. Thời gian đâu để học dance, thời gian đâu để học vẽ, thời gian đâu để học nấu ăn, may vá,… những thứ có thể giúp ích rất nhiều cho chúng sau này nếu không phải hi sinh thời gian học và chấp nhận bị nhìn như là những học sinh cá biệt.
Sau này, ai sẽ cho chúng biết sau này làm nghề gì phù hợp hay sẽ chỉ là những áp đặt, định hướng nhờ vào những yếu tố bên ngoài mà bỏ qua cái “tôi” quan trọng bên trong. Rồi giả sử người ta cho chúng quyết định thì liệu chúng có thời gian tìm hiểu kĩ cho mình hay chỉ là “nghe nói” hoặc dựa vào cái danh xưng. Sẽ ra sao nếu những định hướng bên ngoài không hợp với con người chúng, hay những gì chúng từng nghĩ vốn chỉ là ngộ nhận. Liệu chúng có thể làm tốt việc của mình hay lại bị nhìn như những kẻ lười biếng, thiếu cố gắng vì những gì chúng đang theo không phải là những thứ phù hợp với chúng.
Một vấn đề khác là có quá nhiều các môn học phổ thông lấy kiến thức bên ngoài làm đối tượng tìm hiểu mà quên mất rằng trong mọi xã hội thì mối quan hệ giữa người với người mới luôn là nền tảng. Người ta dạy cách biến đổi một phép toán, tìm hiểu các phản ứng hóa học hay sự rơi của một vật nhưng không dạy cách từ chối, cách nghi ngờ, cách giải quyết mâu thuẫn,…
Rất nhiều học sinh không có được những kiến thức xã hội, những kĩ năng sống cần thiết. Để rồi dễ dàng nghe lời kẻ xấu, để rồi giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực hoặc lầm lũi nghe theo sự sắp đặt của người lớn mà không biết phản kháng thế nào. Đó là còn chưa kể đến vì né tránh, “không muốn vẽ đường cho hươu chạy” mà đàn ̶h̶̶ư̶̶ơ̶̶u̶ cừu của họ đã đưa Việt Nam vào top đầu tỉ lệ nạo phá thai như thế nào.
Phải chăng giáo dục đến lúc cần một cuộc đại phẫu rồi?