Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Lan man về lịch sử

Sau khi xem xong clip của chương trình “Chuyển động 24 giờ” hỏi bọn trẻ con sự hiểu biết về Quang Trung – Nguyễn Huệ thì người yêu có bảo mình viết về chủ đề này. Khổ nỗi sau khi đọc quá nhiều văn của các “bác tổ nghìn like” thì chả biết viết gì nữa. Sợ viết giống các bác, các bác lại đấm vỡ mồm vì ăn trộm bản quyền thì chết nên giờ mới dám khua tay múa chân.

Nhớ hồi cấp 2, mình được cô giáo chọn đi thi học sinh giỏi Sử. Thời đó học dốt, được lên huyện thi học sinh giỏi là oai lắm; lại là thằng duy nhất trong trường thi môn này nên lại càng oai (chẳng nhớ hồi đó có đứa nào đi thi môn này cùng mình không).
Khổ cái, trong mấy phần của lịch sử, mình lại chỉ học được mỗi phần lịch sử Việt Nam, cụ thể là về thời Lý, Trần. Còn các phần khác, đặc biệt là lịch sử nước ngoài thì mình chịu, đọc không khác gì quyển kinh hồi bé ra chùa được các già cho mang về – không hiểu gì sất, nhớ được thì càng không. Thế là đợt đó thi điểm thấp, không đạt giải. (Bọn bạn thi môn khác lắm giải, lắm tiền phát ghê).
Biết kết quả, chẳng buồn, chẳng chán nhưng chẳng hiểu sao cũng chẳng muốn học Sử nữa. Hứng thú học sử của mình cứ lụi dần, lụi dần như sự lụi tàn của nền phong kiến Việt Nam – vốn phát triển cực thịnh vào thời Lý – Trần – Lê Sơ. Sau khi học xong thời kì Lê Sơ thì mình lười học Sử hơn cả học Công Nghệ (à mà Công Nghệ lớp 9 học về Điện với Trồng trọt, hay vãi cả đạn ra), thế nên nếu ai đó hỏi xem thời Lê Sơ kết thúc như thế nào, Trịnh – Nguyễn phân tranh ra làm sao hoặc Quang Trung – Nguyễn Huệ ai đẹp trai hơn ai thì mình chịu. Chắc mình sẽ quay sang hỏi xem bao giờ thi học kì để được dẹp hết đống này đi cho đỡ nặng đầu.
Mà chẳng hiểu tại sao sự hiểu biết về hai ông Quang Trung – Nguyễn Huệ lại được đem ra làm thước đo đánh giá sự am hiểu lịch sử. Không biết có phải vì hai ông này xuất thân nông dân, đứng lên lập quân rồi đánh từ phía này của vĩ tuyến 17 sang phía kia vĩ tuyến để đuổi giặc ngoại xâm giống gì đó mà lên cấp 3 sẽ được học nên được ưu ái hơn không?
Cũng chẳng biết vì sao học Sử lại được đem ra đánh giá lòng yêu nước. Bộ chẳng lẽ học Toán, Lý, Hóa không là yêu nước à? Ừ thì “dân ta phải biết sử ta” nhưng mà có ai bảo phải biết hết đâu. Chỉ cần biết tổ tiên chúng ta chui ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ (đây là chuyện hư cấu), sau nhiều đời giao phối cận huyết đã làm mất hết sự tinh túy của dòng máu tiên rồng nên giờ mới thành người bình thường, thậm chí còn thấp bé nhẹ cân hơn nhiều dân tộc không chui ra từ trứng khác; hoặc biết đến chuyện anh hùng Lê Văn Tám tự châm mình đốt kho xăng (đây cũng là chuyện hư cấu) cũng được coi là biết về lịch sử rồi. Ơ mà sao lịch sử lại lắm chuyện hư cấu?
Bác Hồ có nói “thi đua là yêu nước” nên muốn bày tỏ lòng yêu nước thì cứ thi đua là được rồi. Phụ huynh thi đua cho con vào trường chuyên lớp chọn, học sinh thi đua vào trường tốp ngành hót, nhà trường thi đua về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp,… thế cũng là yêu nước, cần gì phải học Sử?
Mà học Sử để làm gì? Chắc gì những nhà soạn sách đã biết được. Nếu mà học “để biết”, “để yêu” thì “biết” xong, “yêu” xong cũng phải làm gì đó chứ. Chẳng lẽ mài Sử ra ăn, Sử đâu có giống sừng tê giác. Đến ổ cứng máy tính dư mấy trăm “ghi” (GB) mà còn phải xóa lịch sử (history) trình duyệt thường xuyên chứ đừng nói não bộ con người có hàng tỉ thứ để nhớ.
Nói thì nói vậy thôi chứ có tí lịch sử để chém gió với mấy ông tây ba lô ở hồ Gươm hoặc để huyên hoang với lũ bạn “chỗ tao đang đứng tè đây từng là nơi chúa Trịnh nghỉ ngơi” cũng cứng, nhầm cũng sướng lắm ấy! Chỉ có điều chẳng ai lại đi hỏi hoặc đi kể theo cái kết cấu: Nguyên nhân (sâu xa – trực tiếp) -> Diễn biến -> Kết quả -> Ý nghĩa thôi.