Lê Duy Trung

My job -My life – My story

“Bán lược cho sư” – bài học kinh doanh hay trò giả dối?

Hồi còn đi học, tôi có đọc được một câu chuyện rất hay, có thể nói là một bài học kinh doanh kinh điển được truyền dạy rất nhiều trong các trường học, thậm chí còn được lên cả truyền hình trong một chương trình nói về các bài học trong cuộc sống. Đó chính là câu chuyện “Bán lược cho sư”.







Tôi tin tưởng vào câu chuyện này, tôi tin rằng mình đã có một bài học hay cho đến một ngày khi câu chuyện này được đăng trên fanpage “Dám ước mơ – dám thành công” và tôi đọc được một comment là: “Ai vẫn cho rằng đây là bài học Marketing kinh điển thì tìm đọc quyển Tam quốc @ nhé :))“. Vậy là tôi tìm đọc cuốn sách đó (thực ra nó tên là “Tam @ quốc“) và kết quả khiến tôi khá bất ngờ, tôi có được một góc nhìn hoàn toàn mới.





Trong câu chuyện ở “Tam @ quốc” thì những chiếc lược kia là những chiếc lược thần kì, có khả năng chữa bệnh, giá gốc của mỗi chiếc lược là 2.880 quan nhưng được bán với giá 880 quan. Đổng Trác – cán bộ nhân sự của công ty Kỳ Diệu, cũng chính là người bán hàng thứ 3 trong câu chuyện trên đã kể lại với sinh viên của trường đại học và giao cho sinh viên một nhiệm vụ tương tự nhưng đơn giản hơn chút là bán cho ai cũng được. Ai làm tốt nhất sẽ nhận được mức lương khởi điểm là 16.000 quan. Chẳng rõ 1 quan bằng bao nhiêu đồng Việt Nam nhưng qua Wikipedia  thì một quan bằng 1 lạng bạc (1 lạng cổ = 50g), vậy đó cũng mức lương không tưởng đối với một sinh viên mới ra trường rồi. Tất nhiên, cái giá 880 quan cho một chiếc lược cũng là rất đắt. Thử tưởng tượng bạn mới ra trường, nhận được mức lược 16 triệu đồng (rất cao), nhưng lại bỏ ra tới 880 nghìn để mua một chiếc lược thì bạn mới thấy giá trị của một chiếc lược nó thế nào, chí ít là trong bối cảnh câu chuyện.





Bán một cây lược với giá bình thường thì dễ chứ bán một cây lược với giá cắt cổ thì khó hơn rất nhiều. Chính vì thế mà 3 nhân vật chính là: Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán lược. Họ nghĩ đến chuyện tự mua lược và hoàn vốn sau 6 tháng lương nhưng nghĩ rằng như thế là lừa gạt công ty nên họ không làm. Kết quả là không ai hoàn thành chỉ tiêu 100 cái. Nhưng có một điều lạ là các nhân vật khác đều đủ chỉ tiêu trong đó có Lã Bố bán được 999 cái. Chỉ kém Đổng Trác đúng 1 cái.





Hai năm sau, trong hội nghị thương mại toàn quốc, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi gặp lại Lã Bố. Hiện giờ Lã Bố đã giữ một vị trí rất cao. Lã Bố giúp công ty Kì Diệu phát triển chóng mặt, không chỉ chiếm lĩnh thị trường bảo vệ sức khỏe mà còn tiến vào lĩnh vực bất động sản. Lã Bố trở thành Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô. Kết thúc hội nghị, Lã Bố đã tiết lộ bí mật động trời về câu chuyện bán lược cho sư ngày nào.





“Các anh có thấy sự tinh diêu trong câu chuyện “bán lược cho sư” không? Thử động não xem, nhà sư mua lược để làm gì? Các anh có thấy tận mắt họ mua không? Bán lược cho sư? Nhà sư trong câu chuyện thật ngốc, người nghe câu chuyện cũng thật ngốc, chỉ có người kể câu chuyện là vĩnh viễn thông minh.





Anh X kiên trì chịu mắng, cuối cùng mới được một nhà sư “mua” cho một chiếc lược… Nhà sư “mua” một chiếc vì thấy anh ta đáng thương, vậy không thể nói là “bán” được.”





Anh Y bán được 10 chiếc lược cũng rất đáng nghi. Anh ta nói để đầu tóc bù xù trước tượng phật là bất kính, vậy chải đầu trước tượng phật có là kính trọng không?





Nhà sư mua một chiếc lược còn hiềm tiếng phong hoa tiếc nguyệt, mua đến 1000 cái càng không thể được”… “Lược và tích thiện liên can gì nhau? Chẳng thà tặng khách tranh thiền hay trà, trên hộp trà đề “thiện khí nghinh nhân” (khí thiện đón người) còn phải lẽ hơn kiểu tặng lược lăng nhăng kia.”





Lý giải việc bán lược của mình, Lã Bố cho biết: “Chẳng phải Đổng Trác dùng lương 16.000 quan làm mồi nhử đám nhân viên tiếp thị chúng ta sao? Muốn chỗ làm ngon, rất nhiều người đã bỏ tiền ra tự mua hàng…tôi cũng làm y cách đó, tìm một bọn tiếp thị để nhử mồi





Công ty Kỳ Diệu phát triển thành lập Tập đoàn Kinh Đô hôm nay là nhờ vào biện pháp truyền tiêu của tôi. Trong mấy trăm triệu doanh thu hàng năm của công ty, có đến 90% là tiền túi của nhân viên tiếp thị… Đám nhân viên tiếp thị ngốc nghếch không thể ngờ rằng chính họ là những nhà sư trong câu chuyện bịa?







Đọc đến đây tôi chợt giật mình. Phải chăng đó chính là bán hàng đa cấp biến tướng đang làm mưa làm gió ở Việt Nam…





Previous Article
Next Article