Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Cafe thứ 7] Chọn chuyên ngành

Lời đầu tiên tôi xin gửi lời chúc mừng đến các bạn tân sinh viên – các bạn đã/đang/sẽ đọc blog này.
Mấy ngày hôm trước, tôi có đăng lên Facebook một cái status nói về việc chọn chuyên ngành của các bạn tân sinh viên và được anh Hoàng Trung – nguyên admin của diễn đàn Sinh viên Kinh tế Quốc dân – giao phó cho nhiệm vụ viết một bài để đăng lên forum của anh ấy. Đó chính là lý do để hôm nay tôi ngồi đây để viết bài này.
Sau khi chắc một suất trên giảng đường đại học, nhiều bạn sẽ phải bắt đầu lo cho việc lựa chọn chuyên ngành của mình. Việc chọn chuyên ngành có thể không căng thẳng như việc chọn trường thi đại học vì chắc chắn các bạn đã được học, nhưng vì nó liên quan trực tiếp đến việc học gì, làm gì sau này nên cũng khiến không ít bạn phải đắn đo suy nghĩ.
Cách thức để đăng kí chọn chuyên ngành của mỗi trường một khác. Với đa số các trường thì khi thi đại học, các bạn phải đăng kí ngành học của mình. Sau khi đã đỗ, khi làm thủ tục đăng kí nhập học, các bạn sẽ phải điền vào phiếu đăng kí để chọn chuyên ngành trong ngành học mình đã đăng kí. Nhà trường sẽ căn cứ vào đó để phân các bạn vào từng chuyên ngành cụ thể theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Với một số trường khác như Bách khoa hay Kinh tế quốc dân, việc chọn chuyên ngành sẽ diễn ra sau khi sinh viên nhập trường và học được một vài kì (tất nhiên trong những kì đó, các bạn sẽ chỉ học những môn đại cương mà chuyên ngành nào cũng phải học). Dù có những cách để phân chuyên ngành khác nhau thì tất cả đều tựu chung lại những điểm giống nhau: Sinh viên đăng kí và nhà trường dựa vào điểm số để phân chuyên ngành.
Quan hệ giữa số sinh viên đăng kí vào một chuyên ngành và chỉ tiêu đào tạo của chuyên ngành đó cũng giống như quan hệ cung – cầu hay nói đơn giản hơn là quan hệ giữa số cá nhập vào và số cá có thể bán ra trong một cửa hàng cá nào đó. Để bán vừa hết số cá mà không để bất kì khách hàng nào muốn mua, định mua phải chuyển sang hàng khác là điều không thể, hoặc là thừa, hoặc là thiếu, trường hợp vừa đủ chỉ nằm trong trí tưởng tượng của một người thích mơ mộng nào đó mà thôi. Việc phân chuyên ngành cũng tương tự, sẽ có chuyên ngành có số đăng kí vượt chỉ tiêu, sẽ có chuyên ngành không đủ chỉ tiêu đã đăng kí. Và vì điểm số là tiêu chí duy nhất để phân chuyên ngành nên sẽ có chuyên ngành điểm cao, chuyên ngành điểm thấp, thậm chí có chuyên ngành chỉ lấy đúng điểm sàn vào ngành. Điều này dễ dẫn đến hệ quả là một sự ngộ nhận chuyên ngành này tốt, chuyên ngành kia kém; chuyên ngành này “hot”, chuyên ngành kia “cold”; chuyên ngành này dành cho người giỏi, chuyên ngành kia dành cho kẻ kém giỏi hơn. Sự ngộ nhận này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia và có thể kéo dài trong nhiều thế hệ.
Thực chất, trong một trường thì cũng có những chuyên ngành được đánh giá cao hơn các chuyên ngành khác trong cùng ngành thật, nhưng sự “cao hơn” này cũng không thực sự đáng kể vì các môn học trong cùng một ngành không khác mấy gì nhau, nếu khác nhau thì chủ yếu nằm ở các môn chuyên ngành, chuyên ngành này học kĩ, chuyên ngành kia học ít hơn thôi, ngoài ra mọi thứ vẫn gần giống nhau cả. Mà việc so sánh giữa hai chuyên ngành với nhau nhiều khi cũng không chính xác. Để so sánh giữa hai chuyên ngành với nhau thì phải dựa vào rất nhiều tiêu chí và phải mang người giỏi nhất của chuyên ngành này để so sánh với người giỏi nhất của chuyên ngành kia. Không nên mang những người dốt ra so với nhau vì họ chẳng đại diện cho cái gì cả. Họ đâu có tiếp thu được hết các kiến thức được truyền đạt. Còn những người giỏi thì chủ yếu do nỗ lực của họ, chuyên ngành họ học cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Mà sau khi ra trường, mặc dù học ở bất kì chuyên ngành nào thì trên bằng cũng chỉ ghi tên ngành mà thôi. Và dù bảng điểm có khác nhau một chút nhưng phẩy các môn cứ cao là tốt hết. Với lại chẳng ai đi tuyển dụng mà chỉ để ý đến mỗi bảng điểm, đi chi tiết vào từng môn trong bảng điểm để xem chuyên ngành nào, chuyên ngành đó ra sao thì còn ít hơn.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là việc chọn chuyên ngành không quan trọng. Việc chọn chuyên ngành vẫn rất quan trọng vì bạn có thể là một sinh viên giỏi ở chuyên ngành này nhưng chuyên ngành khác thì không, hoặc chí ít bạn có thể đạt bằng khá “cứng” ở chuyên ngành này nhưng học chuyên ngành khác lại chỉ được khá “mềm” hoặc thậm chí chỉ hơn trung bình một chút. Vấn đề ở đây không nằm ở chất lượng giảng dạy mà nằm ở sự phù hợp với mục tiêu và tính cách người học.
Tính cách của người học quyết định rất lớn đến công việc và thành công của người đó trong tương lai. Giả sử như một người có tính cách hướng nội, ít nói, tỉ mỉ, cẩn thận sẽ phù hợp với kế toán hơn một người hướng ngoại, nói nhiều, ưa hoạt động – một người thích hợp với việc kinh doanh, quan hệ khách hàng hơn. Sẽ rất tệ nếu bắt một người ít nói đi quan hệ khách hàng và cũng tệ không kém nếu bắt một người ưa hoạt động đi làm kế toán. Mặc dù họ đều là những người rất giỏi nhưng sự không phù hợp với công việc có thể đánh cắp năng lực thực sự của mỗi người.
Sự khác biệt về tính cách dẫn đến sự khác biệt về nghề nghiệp mong muốn và mục tiêu cụ thể của mỗi người. Dù rằng sau khi ra trường, đặc biệt với các sinh viên khối kinh tế thì việc làm trái ngành, trái nghề là chuyện không hiếm. Tuy nhiên những người làm trái ngành chắc chắn không thể tốt bằng việc làm đúng chuyên ngành của mình và muốn làm trái ngành được thì người học phải học thêm nhiều thứ, đồng thời phải bỏ bớt một phần (hoặc toàn bộ) kiến thức chuyên ngành ra khỏi bộ não của mình. Như thế thì có vẻ như việc học chuyên ngành ở trường đại học đã trở nên lãng phí. Tốt hơn hết là xác định thứ mình cần ngay từ trước và cố gắng theo đuổi nó, dù sao thì đi theo đường thẳng cũng tốt hơn là đi theo đường vòng. Vấn đề ở đây không phải là xã hội đánh giá sao về bạn và về sự phù hợp với nghề nghiệp của bạn (như những thứ được ghi ở tấm bằng hay bảng điểm ở trên), mà vấn đề ở chỗ bên trong bạn có gì, có thực sự phù hợp với công việc mình theo đuổi hay không.
Việc ngộ nhận về chất lượng và khả năng nghề nghiệp của các chuyên ngành thông qua điểm số như trên khiến nhiều người bỏ qua hết những yếu tố cá nhân để chọn ngành để rồi sau đó không ít người phải té ngửa ra cái mình đang theo học không phải là cái phù hợp với mình. Nhiều người trong đó kêu chán nản, học một cách thụ động rồi quên mọi thứ chỉ sau bài thi hết môn chưa quá 2 tuần. Mặc dù trong số những người như thế, vẫn có những người điểm cao thật ấy, nhưng những kiến thức học được có phục vụ gì cho công việc sau này hay không thì lại là chuyện khác. Hãy luôn nhớ rằng xin được việc đã khó, làm và bám trụ lại được với công việc còn khó hơn gấp nhiều lần. Mà để bám trụ được với công việc thì cần nhiều ở kiến thức thực sự, cần nhiều ở cả tính cách con người và nhiều, rất nhiều yếu tố khác. Vậy nên quên mấy cái chuyên ngành “hot” đi, chẳng ai quan tâm đến nó đâu, rồi chính bạn cũng chẳng quan tâm đến nó đâu. Một chuyên ngành chỉ thực sự tốt khi nó phù hợp với bạn và ngược lại, bạn cũng chỉ tốt khi ở trong chuyên ngành thực sự phù hợp với mình.
Mấy ngày nay thấy nhiều bạn hỏi các anh chị khóa trên xem nên chọn chuyên ngành nào, chuyên ngành nào tốt hơn và câu trả lời nhận được thường là chọn chuyên ngành này vì bạn đủ điểm, bỏ chuyên ngành kia vì điểm nó cao. Nói trắng ra thì những lời khuyên đó đều rất vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm vì không ai thèm tìm hiểu bạn là ai, bạn có hợp với chuyên ngành đó, hợp với công việc chuyên ngành đó đào tạo hay không. Vô trách nhiệm vì chẳng ai phải chịu trách nhiệm nếu họ đưa cho bạn một sự lựa chọn sai lầm. Mọi hậu quả về sau sẽ đều do chính bạn tự gánh chịu mà thôi. Vì vậy, thay vì đưa ra những câu hỏi đóng kiểu nên chọn A hay không, chọn B tốt hay chọn C tốt thì bạn hãy tự tìm hiểu xem công việc sau khi học ra là làm gì, chuyên ngành bạn đào tạo cái gì và có phù hợp với mình không rồi tự đưa ra quyết định thay vì đặt sự lựa chọn của mình cho người khác.
Nói vậy không có nghĩa điểm số không quan trọng. Nếu điểm bạn cao bạn có quyền; điểm bạn thấp, bạn sẽ ít quyền hơn. Tuy nhiên hãy ưu tiên sự phù hợp với bản thân mình trước khi nghĩ đến điểm số.

Lời kết:

Vẫn biết việc định hướng ngành nghề, định hướng công việc phải được thực hiện cách đây nhiều tháng, trước khi bắt đầu đăng kí hồ sơ thi đại học, nhưng thà muộn còn hơn không. Hi vọng rằng các sinh viên mới sẽ không đặt cuộc sống mình vào tay người khác, không đặt tương lai của mình vào một canh bạc chỉ vì tin rằng người khác sẽ nói đúng.
Bản thân người viết và bản thân bài này cũng có một sự vô tâm. Người viết sẽ không chịu bất kì trách nhiệm gì về tương lai của ai đó sau khi đọc xong bài này. Thế nên cũng đừng coi những gì được nói đến trong bài viết này là hoàn toàn đúng đắn. Đây chỉ là một quan điểm, đúng hay sai còn phụ thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Đừng nghe đám đông xui dại, đừng nghe bất kì ai xui dại, mỗi người nên tự đánh giá lại, tự có những sự lựa chọn của chính mình. Bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm về tương lai của mình, ngoài ra thì không còn ai cả.
Cuối cùng, chúc các bạn đã/đang/sẽ xác định được mục tiêu của mình có thể vững tay lái để đưa con tàu của mình cán đích. Còn những bạn đang loay hoay tìm kiếm mục tiêu của mình thì tôi xin tặng một câu trong câu chuyện “Lạc vào xứ xở thần tiên”: “Nếu không biết mình cần đến đâu thì đi đường nào cũng có quan trọng gì”. Chúc các bạn sẽ có được những trải nghiệm riêng và tìm được con đường mình cần hướng đến sớm nhất có thể.