Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Cafe thứ 7] Viết gì bây giờ nhỉ?

Haizzz, một thứ 7 nữa lại đến và như 9 tuần lại đây, tôi đều ngồi trước cái máy tính ghẻ của mình để viết blog, mà một câu hỏi quen thuộc vẫn  luôn hiện ra trong đầu tôi trong suốt 9 tuần viết blog kia là “viết gì bây giờ nhỉ?”

Mà vì sao tôi viết?
Sự thực thì tôi bắt đầu viết blog từ khá lâu, nhưng thời đó tôi viết khá tùy hứng và không được đều đặn. Kiểu như thích thì viết, mà viết nhiều khi cũng chẳng viết cho có đầu có cuối mà thường chỉ có mỗi cái đầu với giữa. Đến gần phần cuối thì tôi chán, tôi mất tập trung và thế là các bài viết của tôi thường được đăng lên với hiện trạng dở dang và bắt người đọc tự nghĩ. Tất nhiên như thế là rất tệ, còn tệ hơn là việc không viết gì, vì chí ít không viết gì sẽ không làm lãng phí của ai đó mấy phút để đọc những gì tôi viết. Rồi dường như nó trở thành thói quen, chuyện tình cảm, học tập,… của tôi cũng vậy. Thậm chí, tệ hại đến mức mà tôi bị nhận xét là “cả thèm chóng chán”. Vậy là tôi quyết tâm thay đổi mình. Tôi sẽ theo đuổi mọi thứ đến cùng, bắt đầu từ những bài blog. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành từng bài, cố gắng viết trong thời gian dài và hoàn thiện dần cách viết của mình. Thế là tôi tự hứa với bản thân sẽ cho ra một bài blog nói về suy nghĩ của mình trước mỗi vấn đề cuộc sống vào mỗi thứ 7 hàng tuần và đặt tên chuỗi bài của mình là “cafe thứ 7“. Xem đó như là một cách để rèn luyện sự kiên nhẫn cũng như sự cố gắng của bản thân mình.
Viết về cái gì?
Cái để viết về tôi gọi là chủ đề. Muốn có chủ đề thì phải có ý tưởng, bởi vì tôi là người suy nghĩ và viết theo kiểu ý tưởng có trước, chủ đề hình thành sau rồi tiếp tục sử dụng các ý tưởng khác để hoàn thiện chủ đề chứ không phải theo hướng ngược lại. Với tôi, nếu tìm ra chủ đề rồi mới tìm ý tưởng thì chắc chắn tôi sẽ rất khó viết, vì ý tưởng mà bị gói gọn trong chủ đề đã bị bó hẹp khá nhiều rồi, xây dựng một chủ đề trên một ý tưởng sẽ dễ viết hơn. Chính vì thế mà có bài viết mọi người như đọc 2 chủ đề hoàn toàn khác nhau, nhưng kì thực nó đều được xây dựng trên một ý tưởng. Như bài “(Tôi là ai) Chuyện góc nhìn” chẳng hạn.
Hàng ngày, có hàng trăm câu chuyện xảy ra, hàng nghìn suy nghĩ thoáng qua nhưng không phải cái gì cũng đưa lên blog, cái gì cũng viết được. Nếu mà tôi lại chỉ đưa những chuyện như tôi ăn cái gì, nghĩ xấu bạn cùng phòng ra sao hoặc cái gốc cây tôi tè bậy thế nào thì chắc chẳng ai đọc blog của tôi mất. Nói thế có nghĩa là ý tưởng thì nhiều, nhưng ý tưởng để viết được thì chẳng có bao nhiêu. Một ý tưởng đủ để viết thì nó cũng phải có độ nặng nhất định, nếu nhẹ quá thì tôi chỉ có thể làm được một cái status và vứt trên Facebook của mình mà thôi.
Ý tưởng ít kéo theo chủ đề cũng chẳng nhiều, mà vấn đề ở chỗ là không phải chủ đề nào cũng được chú ý giống nhau. Người thích học sẽ thích đọc các bài viết về học, người thích chơi sẽ thích đọc những bài viết về chỗ chơi, người thích chó sẽ không thích những người ăn thịt chó. Nói chung là mỗi người một tính, không chiều ai được. Vậy nên đừng có kì vọng tôi sẽ viết về một cái gì đó, vì tôi chưa chắc đã viết đâu, lúc đó lại mất công thất vọng. Cũng phải nhắc lại đây là blog cá nhân, tôi không bắt ai phải đọc cả nên nếu có trót đọc thì cũng đừng comment kiểu “nhạt”, “huyên thuyên” hay cái gì đại loại thế. Tại bạn tò mò cả thôi, chẳng trách ai được cả.
Ý tưởng thì không phải lúc nào cũng có, nhưng nói chung với tôi thì ý tưởng vẫn còn có nhiều chán so với cảm hứng. Ý tưởng còn có thể tích cóp bằng cách viết ra nháp rồi khi có thời gian viết cũng được, nhưng cảm hứng thì không. Mà cảm hứng nó lại xuất hiện vào những lúc bất ngờ, nhiều lúc bất chợt đến nỗi không thể làm gì được (như khi đi chơi với bạn chẳng hạn) nên nói chung là để viết được rất khó. Nói ví dụ cho dễ hiểu thì thế này, có thể đi đường tôi gặp một câu chuyện nào đó rất hay và muốn kể cho mọi người ngay lập tức. Nhưng lúc đó tôi lại đang bận, giả sử như đưa bạn tôi đi chơi chẳng hạn nên không thể viết được. Vậy là muốn viết, tôi chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là vào quán net, hoặc là bỏ bạn ta về. Tất nhiên, tôi sẽ không làm thế và phải đợi lúc về rồi viết. Nhưng có thể lúc về tôi mệt, tôi buồn ngủ hay có thể có hàng tá lí do nữa để tôi quyết định ngồi chơi hơn là viết bài. Vậy là tôi không viết gì nữa. Cái tình cảnh có ý tưởng mà không có cảm hứng này thì ai viết lách, sáng tác hay làm cái gì đó đại loại thế cũng có thể gặp phải. Nó gọi là “creative block”. Vậy nên sẽ có những lúc tôi ra blog rất sóm, có lúc ra rất muộn, thậm chí có lúc không ra. Lí do đơn giản là do cảm hứng. Nhưng tôi sẽ cố gắng để mình có thể viết đều đặn hơn.
Viết như thế nào?
Nhiều người biết đến blog của tôi qua bài “Chuyện cái bằng – gian lận thi cử” và bài “Khi tôi là sinh viên năm nhất“, hiển nhiên những người như thế thích cách viết theo kiểu chia sẻ kinh nghiệm của tôi. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi chỉ có thể viết những bài như thế.
Tôi sẽ không chỉ viết những bài như thế vì các lí do:
Thứ nhất, viết nhiều theo một phong cách thì sẽ dễ gây nhàm chán. Nếu các bạn chưa thấy chán thì các bạn sẽ sớm thấy chán, không thì tôi sẽ thấy chán. Nếu mà tôi chia sẻ kinh nghiệm nhiều quá, các bạn sẽ hoặc là nghĩ tôi là một thằng lí thuyết đầy mình, hoặc sẽ tự hỏi mình “thằng cha này làm được gì mà nói nhiều vậy?”. Tôi không muốn như thế. Cái gì tôi trải nghiệm qua thì tôi chia sẻ, cái gì tôi không biết tuyệt đối tôi không nói liều,
Thứ hai, mặc dù việc viết blog chỉ là thú vui cá nhân và không ai đọc thì cũng chả sao, nhưng rõ ràng thông qua các bài viết của mình, tôi tìm được rất nhiều những người có cùng suy nghĩ với mình và nhiều người giỏi hơn mình. Tôi thích được nói chuyện với những người như thế. Và vì thế tôi phải giữ các bạn – những “độc giả” của riêng mình vì có thể trong số các bạn cũng có những người như thế, có điều tôi chưa được nói chuyện thôi. Nếu tôi cứ viết hoài một phong cách, khi các bạn chán, các bạn có thể unfriend, unfollow ngay tức thì. Tốt hơn hết là tôi cứ thử viết theo các phong cách khác nhau, ai chán cái này còn có cái kia còn hơn để xảy ra cái tình trạng cái cũ thì đọc nhiều đâm nhàm mà cái mới thì chưa đọc bao giờ nên thấy chán.
Thứ ba, sở trường của tôi vốn không phải là viết những bài chia sẻ như thế. Tôi thích viết các bài châm biếm hơn cơ. Mà châm biến thì có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Như cái bài “Chuyện nghỉ hè” thực ra đó là một bài châm biếm ở mức độ nhẹ, ai tinh ý thì sẽ nhận ra thôi. Đối tượng châm biếm ở đây là những người lập ra một đống kế hoạch nhưng lại không thực hiện điều đó. Nếu ai như vậy mà đọc được thì phải tự biết mà có kế hoạch cho bản thân mình, ai không như vậy thì có thể mỉm cười nhẹ nhàng với nhân vật “tôi” trong đó thôi. (Phải chú thích thêm rằng đó là nhân vật “tôi” trữ tình chứ không phải “tôi” thực tế nhé, đôi lúc cần phân biệt văn chương và thực tế, đừng có đánh đồng như mấy ông kiểm duyệt nội dung “Bụi đời chợ Lớn”).
Mà tôi đã nói trước ở bài “Một chút về thành công và công việc” rồi, hè này tôi chỉ viết các chủ đề nhẹ nhàng, kéo theo đó là cách viết nhẹ nhàng, mới lạ rồi. Có phải không nói đâu.
Cái cuối cùng đó là phản ứng của các bạn đã đọc. Nói thực là ai đọc xong mà khen hay là tôi thích lắm, còn ai chê là có thể tôi sẽ ghét cực kì. Tôi ghét không phải là vì tôi bị chê, không phải vì tôi nghĩ rằng “các bạn chưa đủ tầm để hiểu” mà tôi ghét vì nhiều bạn chê hết sức chung chung, chẳng chỉ rõ chỗ nào không được và phải sửa thế nào cả. Nó làm tôi nhớ đến một câu chuyện, đại loại như sau:
Ngày xưa, có một họa sĩ tên là Ranga, một người siêu việt, vẽ được rất nhiều kiệt tác đáng ghi nhớ khiến ai cũng đều khen ngợi. Ông mở một lớp học mỹ thuật để dạy nghề cho mọi người và cũng để tìm đệ tử nối nghiệp.
Trong một số lượng lớn học trò, Rajeev là một người có tài nhất, chăm chỉ, sáng tạo,nên anh ta tiếp thu nhanh hơn nhiều so với các bạn đồng môn. Ông Ranga rất hài lòng về Rajeev.
Một ngày kia, sau bao nhiêu cố gắng, Rajeev được ông Ranga gọi đến và bảo:
– “Ta rất tự hào về những tiến bộ mà con đã đạt được. Bây giờ là thời điểm con làm bài thi cuối cùng trước khi ta công nhận con thực sự là một họa sĩ tài năng. Ta muốn con vẽ một bức tranh mà ai cũng phải thấy đẹp, phải khen ngợi.”
Rajeev làm việc ngày đêm, trong rất nhiều ngày và đem đến trình thầy Ranga một bức tranh tuyệt diệu. Thầy Ranga xem qua rồi bảo:
– “Con hãy đem bức tranh này ra đặt ở quảng trường chính, để tất cả mọi người có thể chiêm ngưỡng. Hãy viết bên dưới bức tranh là tác giả sẽ rất biết ơn nếu bất kỳ ai có thể chỉ ra bất kỳ sơ suất nào trên bức tranh và đánh một dấu X vào chỗ lỗi đó.”
Rajeev làm theo lời thầy: đặt bức tranh ở quảng trường lớn với một thông điệp đề nghị mọi người chỉ ra những sơ suất.
Sau hai ngày, Ranga đề nghị Rajeev lấy bức tranh về. Rajeev rất thất vọng khi bức tranh của mình đầy dấu X.
Nhưng Ranga tỏ ra bình tĩnh và khuyên Rajeev đừng thất vọng, cố gắng lần nữa. Rajeev vẽ một kiệt tác khác, nhưng thầy Ranga bảo phải thay đổi thông điệp dưới bức tranh. Thầy Ranga nói phải để màu vẽ và bút vẽ ngay cạnh bức tranh ở quảng trường và đề nghị mọi người tìm những chỗ sai trong bức tranh và sửa chúng lại bằng những dụng cụ để vẽ ấy.
Hai ngày sau, khi lấy tranh về, Rajeev rất vui mừng khi thấy bức tranh không bị sửa gì hết và tự tin đem đến chỗ Ranga. Ranga nói:
– … Con người thích đánh giá người khác mà không nghĩ đến trách nhiệm hay nghiêm túc gì cả. Mọi người đánh những dấu X lên bức tranh đầu tiên của con vì họ không có trách nhiệm gì mà lại cho đó là việc không cần động não. Nhưng khi con đề nghị họ sửa những sơ suất thì không ai làm nữa, vì họ sợ bộc lộ hiểu biết – những thứ mà họ có thể không có. Nên họ quyết định tránh đi là hơn.”
Vậy nên những ai để lại comment kiểu “nhảm”, “nhạt”,… mà không nói rõ cần thêm mắm muốn vào đâu ấy thì tốt hơn hết không nên viết gì còn hơn.
Mà thôi, không lan man nữa. Viết gì bây giờ nhỉ?…