Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Chuyện Marketing] PR và Quảng cáo

PR và quảng cáo là 2 hoạt động thường thấy trong công việc marketing. Đây cũng là những khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Vậy PR và quảng cáo là gì?
1. Các khái niệm 
Quảng cáo bao gồm các họat động giới thiệu và truyền đi các thông tin về sản phẩm và hình ảnh của doanh nghiệp nhằm kích thích khách hàng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, nâng cao uy tín cho nhà kinh doanh và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. 
Phân loại quảng cáo dựa theo mong muốn của doanh nghiệp thì quảng cáo có thể có loại: 
– Quảng cáo giới thiệu: Là loại quảng cáo dành cho các sản phẩm mới xâm nhập thị trường. Mục tiêu là làm nảy sinh nhu cầu ban đầu của người dùng về sản phẩm. 
– Quảng cáo thuyết phục: Đây là loại quảng cáo quan trọng trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt. Quảng cáo này sẽ đưa ra các lý do để (một phân khúc) khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình thay vì của đối thủ. 
– Quảng cáo nhắc nhở: Khi sản phẩm ở giai đoạn hưng thịnh, quảng cáo này sẽ giúp khách hàng nhớ tới sản phẩm của doanh nghiệp. Ví dụ ai cũng biết các nhãn hiệu như OMO, Coca-Cola, Clear,… nhưng những quảng cáo này vẫn xuất hiện đều đều. 
Có phân loại thế nào thì mục đích sau cùng của quảng cáo cũng là khiến khách hàng mua sản phẩm, trực tiếp tăng doanh số.
PR là viết tắt của Public Relationsquan hệ công chúng – bao gồm các hoạt động nhằm xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với các tầng lớp công chúng, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ để nâng cao uy tín và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường. 
2. Những điểm khác biệt 
– Quảng cáo nâng cao giá trị sản phẩm, PR nâng cao giá trị doanh nghiệp. 
– Quảng cáo là doanh nghiệp tự nói về mình. PR là để cho người khác nói về mình. 


Thông điệp quảng cáo là thứ doanh nghiệp nói cho khách hàng. Thông điệp của PR là công chúng nghĩ về mình sau các hoạt động của doanh nghiệp. 

Ví dụ: nói với gái “nhà anh có 15 tỉ”, đây là một thông điệp quảng cáo. Còn đón gái bằng xe Roll-Royce đi ăn tại nhà hàng sang trọng bậc nhất Hà Nội để gái nghĩ “anh ấy giàu vãi” thì “anh ấy giàu vãi” là thông điệp của PR.

Từ ý trên thì doanh nghiệp có thể kiểm soát được thông điệp quảng cáo. Còn PR là chờ người khác nói về mình nên không thể kiểm soát được các thông điệp đó. 

Gái mà nghĩ “thằng này công tử bột, khoe của“, coi như kế hoạch PR thất bại

– Quảng cáo thường mất phí để mua vị trí quảng cáo, còn PR thì không mất phí để mua vị trí PR. Tuy nhiên vẫn mất các chi phí khác, ví dụ tổ chức sự kiện, giấy mời,.. 

Việc “book bài PR” trên các báo. nếu phóng viên đến khảo sát rồi tự viết bài thì đấy là PR. Còn nếu phóng viên viết theo ý của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp gửi bài để đăng thì lại là hình thức mua quảng cáo.

3. Áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân. 
Có rất nhiều phương tiện để triển khai các hoạt động quảng cáo – PR như thông qua truyền hình, báo chí, radio,… Tuy nhiên với đặc điểm hạn chế về ngân sách nên các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân thường sử dụng các kênh online. 
Hiện nay Facebook đang là kênh được nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng để tiếp cận khách hàng thông qua hoạt động của các fanpage, các trang cá nhân. 
Với các bài viết trên trang cá nhân hoặc fanpage, các bài nói về sản phẩm kèm với các kêu gọi hành động: Mua hàng, lấy thông tin,… là các bài quảng cáo. Còn các bài viết hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn phân loại, khoe feedback,… thì đây là các bài PR. 
Các bài PR không đem lại doanh số tức thì như các bài quảng cáo. Tuy nhiên thông qua các bài PR, niềm tin của khách hàng sẽ được củng cố, giúp khách hàng an tâm hơn trong các quyết định mua hàng. Nên với cá nhân và doanh nghiệp thì đều cần những bài viết mang tính chất PR như vậy. 
Các bài quảng cáo dễ đem lại những cảm giác khó chịu nhất định nên trong các tài liệu hướng dẫn xây dựng fanpage hoặc profile bán hàng đều khuyên hạn chế tỉ lệ các bài quảng cáo ở mức ~10%. 
Thực tế điều này không dễ dàng vì tạo một bài quảng cáo, vít tiền thật mạnh rồi chốt hàng vẫn dễ hơn là viết bài để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên về lâu về dài, khi quảng cáo cạnh tranh ngày càng cao thì đơn vị nào có quan hệ công chúng tốt sẽ đứng vững hơn trong thời kì “bão ad”.
—————
Bài viết này chỉ dừng lại ở mức sơ lược. Chi tiết về cách xây dựng fanpage, profile bán hàng và cách tạo quảng cáo trên các kênh Facebook, Google, Zalo,.. sẽ được trình bày cụ thể ở các bài viết sau.
Đón xem các bài viết khác tại Chuyện Marketing