Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Fishlog#10] Tiếng Anh – Học bao nhiêu cho đủ




Hôm trước, trên Facebook của bạn tôi có đăng một cái status: “học tiếng Anh, giao tiếp thành thạo với ng nước ngoài thôi chưa đủ. bao h bạn nói qua điện thoại mà người ta nghe và hiểu mới đáp ứng yêu cầu”, tự dưng làm tôi nghĩ: Học tiếng Anh, bao nhiêu là đủ?

Trước tiên phải xem bạn quan niệm Tiếng Anh là gì. Nếu coi Tiếng Anh là một môn học thì đơn giản, bạn chỉ cần học để có thể kết thúc các bài thi với số điểm ưng ý là được. Mặc dù thứ Tiếng Anh bạn dùng đó có thể toàn không đúng về mặt phiên âm và sử dụng toàn những mẫu câu hoa lá cành mà người bản địa chẳng bao giờ dùng đến hoặc nhờ một số mẹo làm bài mà có được cũng không sao. Thỏa mãn mong muốn của giáo viên, giảng viên hoặc kiếm cho mình một vài cái chứng chỉ để đóng khung hay nhét vào bộ hồ sơ nào đó cũng được. Bạn không cần phải nghe, không cần phải nói, cũng chẳng cần phải viết Tiếng Anh làm gì.


Nhưng nếu coi Tiếng Anh là ngôn ngữ thì mọi chuyện lại khác. Mục đích cuối cùng của ngôn ngữ là truyền tải nội dung vậy nên để có thể có Tiếng Anh đạt yêu cầu thì phải có nội dung bằng Tiếng Anh và phải biết cách truyền tải nó. Muốn có nội dung bằng Tiếng Anh thì cần phải có được một kiến thức đủ lớn và một vốn từ đủ lớn để diễn tả lại kiến thức đó. Bạn không thể tả cái bàn bằng Tiếng Anh nếu bạn chưa bao giờ nhìn thấy cái bàn hoặc không biết cái bàn trong tiếng Anh là gì được.


Có được nội dung rồi thì phải truyền tải được nó. Với mỗi mục đích, hoàn cảnh khác nhau thì mức độ yêu cầu của việc truyền tải nội dung lại khác nhau. Nếu công việc của bạn yêu cầu bạn phải giao tiếp thông thường với người nước ngoài thì chỉ cần nói cho người ta hiểu là được. Không đúng ngữ âm, không sao; không đúng ngữ pháp, cũng không sao. Bạn cũng không bao giờ cảm thấy mình bị xúc phạm hay không muốn nói chuyện với một anh chàng người nước ngoài gọi bảo nước bạn là Việt Lam, thủ đô Hạ Lội phải không? Trong giao tiếp cơ bản, người ta có thể bỏ qua hàng loạt lỗi, chỉ cần hiểu là đủ.


Tuy nhiên, nếu công việc của bạn yêu cầu cao hơn, bạn phải gọi điện cho khách hàng nước ngoài hoặc tham gia các buổi hội thảo, trao đổi với người nước ngoài chẳng hạn thì bạn sẽ phải có một yêu cầu khác. Lúc đó bạn không những phải nói cho người ta hiểu mà phải nói đúng, nói hay, nói thuyết phục. Nếu bạn phải soạn thảo các văn bản bằng Tiếng Anh thì bạn không phải chỉ biết được những cái mình sắp viết ra mà phải biết diễn tả nó theo văn phong và các quy ước như nào cho phù hợp. Cái đó khó khăn hơn rất nhiều và bắt bạn phải bỏ thời gian ra học Tiếng Anh nhiều hơn rất nhiều.


Việc học Tiếng Anh thì không phải là xấu, tuy nhiên phải nắm rõ được mình học để làm gì và phải học thật sát cái mục đích đó của mình. Giống như Tiếng Việt, việc hiểu hết một câu văn nào đó hoặc diễn tả lại một điều gì đó không phải lúc nào cũng là một việc dễ dàng ngay cả với người bản địa thì việc học hết Tiếng Anh là điều không thể. Bạn chỉ có thể học cái mình cần nhất thôi. Còn nếu bạn bỏ ra không ít tiền, thời gian ra để học một chứng chỉ Tiếng Anh tầm cỡ để rồi cuối cùng bạn dùng nó để nghe nhạc và xem mấy bộ phim có sẵn phụ đề thì chẳng phải lãng phí lắm sao?