Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Fishlog#9] Nhà giáo có đáng được ca ngợi?

Cái tít nghe có vẻ buồn cười! Có người sẽ bảo tôi vô ơn, bảo tôi không biết tôn sư trọng đạo rồi có người sẽ hỏi tôi: “Liệu không có những người thầy thì liệu có tôi bây giờ?”; nhưng tôi cũng nói luôn là nếu không có những người đang quần quật ngoài đồng để làm ra hạt gạo thì thậm chí tôi còn không sống nổi cơ. Vậy sao thì nhà giáo được ca ngợi còn người nông dân thì không?

12 năm học phổ thông là 12 năm tôi được nghe đến phát nhàm về những bài phát biểu với nội dung nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Các bài phát biểu đó đều do các thầy cô giáo viết và các học sinh sẽ mặc nhiên cho là đúng. Mà hầu hết mọi người đều trải qua thời kì học sinh, sau cái thời đó cũng chẳng ai rảnh hơi mà nghĩ lại về các bài phát biểu xem có đúng là nghề giáo là nghề cao quý nhất hay không, sau đó đến cái lúc mà người ta có con là học sinh thì họ càng không nên phản đối do đó tự nhiên cả xã hội sẽ đồng tình cho rằng nghề giáo là nghề cao quý nhất. Chẳng hiểu sao khi nghĩ đến điều này, một loạt các từ ngữ như “độc quyền”, “bán hàng đa cấp”, “tự sướng”,… xuất hiện trong đầu tôi như có một mối quan hệ nào đó mà tôi khó lòng giải thích được.
Có người bảo nghề giáo là nghề cao quý vì đó là nghề “trồng người”, nhờ những người làm nghề giáo mà mọi người có được tri thức, có nhân cách để cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Đôi lúc tôi vẫn tự nghĩ lại xem tôi đã học được từ các thầy cô những gì. Liệu đó có phải là đống kiến thức mà ngoại trừ cách đọc, cách viết và các phép toán cơ bản ra thì số còn lại chỉ nhằm mục đích phục vụ những kì thi để rồi quên sạch hay không? Liệu đó có phải là các bài học đạo đức một cách máy móc mà chính các thầy cô cũng chẳng thể làm theo được và người nào mà thực hành đầy đủ những bài học đạo đức đó nhẹ là khó tiến thân, nặng là bị đì đến chết hay không? Đúng là kiến thức, tính cách của tôi được hình thành một phần không nhỏ trong trường học nhưng nếu bảo nó hoàn toàn là công sức của các thầy cô thì rất thiếu chính xác.
12 năm học là 12 năm chúng tôi – lũ học trò – phải chuẩn bị món quà nào đó cho thầy cô của mình mỗi dịp 20/11 đến dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo chủ nhiệm. Các món quà ban đầu mang tính tinh thần nhiều hơn là những bài hát, những câu chuyện chúng tôi sẽ biểu diễn trước lớp trong một buổi liên hoan; nhưng khi càng lớn, những món quà càng ngày càng trở nên thực dụng hơn, chúng biến thành những khoản đóng góp được đóng gói cẩn thận trong những phong bì kèm theo một tấm thiệp và đặt trong bó hoa to tướng. Hoặc là tôi may mắn, hoặc là tôi nhìn đời bằng con mắt màu hồng hoặc là các thầy giáo chủ nhiệm của tôi là những người cẩn thận nên chúng tôi thường không quên quà 20/11 cho thầy cô giáo nào đang dạy chúng tôi do đó chúng tôi không phải chịu sự “trừng phạt” nào vì cái sự trót quên của mình.
Sau này, tôi nhận ra cái “tình cảm” mà không ít học sinh, sinh viên đang dành cho thầy cô giáo mình lại thực dụng đến kì lạ và cũng biểu hiện bởi một thứ vô cùng thực dụng – tiền mặt. Nhiều người chỉ nhớ đến thầy cô giáo mình trong đúng một ngày, đối với những người đang dạy mình và đối với những thầy cô dạy các môn “chính”. Còn các thầy cô dạy các môn phụ (đối với học sinh) hoặc với các học phần vào các giai đoạn khác (đối với sinh viên) thì tuyệt nhiên chả ai nói đến ơn huệ gì cả. Vậy thì cái tình cảm mà vẫn đang được tung hô ấy còn có là thực hay không?
Cái tiêu cực trong ngành giáo dục giống như viên đá nằm giữa đường, ai cũng thấy nhưng không mấy người muốn vứt nó. Vẫn còn đó những người tự nhận là thầy, đứng giảng dạy về tính trung thực về tình yêu nghề nghiệp và về hàng tá các đứng tính tốt đẹp khác thì cũng chính là người nhận tiền hối lộ, bán điểm hoặc chèn ép các học sinh không đi học lớp học thêm của mình mà nếu như tôi ca tụng họ tức là tôi đã ca tụng sự tầm thường, giả dối, ích kỉ, bảo thủ, cá nhân… Liệu nghề giáo có còn đáng được ca ngợi?
Khi được biết đến cái gọi là “phân công lao động xã hội”, tôi biết được rằng giáo viên cũng chỉ là một cái nghề. Nếu như nghề nông là nuôi sống con người; bác sĩ là chăm sóc sức khỏe con người; ca sĩ, diễn viên là đem lại niềm vui cho con người thì nghề giáo là đào tạo con người, thế thôi. Mà nghề nào cũng cần tiền lương để mua thức ăn, mua quần áo, trả tiền điện,… Tại sao phải tôn thờ một nghề nào đó lên rồi đặt các nghề khác ở dưới? Nghề nào mà chẳng đem lại lợi ích cho xã hội, nghề nào chẳng đáng được tôn trọng cốt nó không trái với pháp luật, trái với đạo đức là được.
Thực sự những người giáo viên cũng có nỗi khổ riêng. Họ phải nhận những đồng lương rất ít và cũng rất khó để xin được một chân “biên chế”. Họ phải chịu hậu quả của bệnh hám danh, bệnh thành tích được truyền từ cấp trên xuống cấp dưới, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ được xã hội kính nể nên cũng phải chịu cái nhìn khắt khe của xã hội để phải làm cái này, không được làm cái kia trong khi thực tế họ cũng là con người, cũng cần phải bực tức, cũng muốn nói cho ra nhẽ với một con mụ xấu xí hàng xóm nhưng khi họ làm như thế là cả xã hội sẽ vào đánh giá, sẽ bêu xấu, sẽ cho họ lên một bài báo mang đậm tính giật tít câu viu (view) nào đó mà phần bình luận phía dưới cảm thông thì ít mà soi mói thì nhiều. Họ được mang danh người thầy nhưng phải nhận những đồng lương ít ỏi với những cái nhìn khắt khe, bảo sao không thoái hóa, bảo sao không biến chất
20/11 đến rồi, tôi sẽ không dùng những ngôn từ sáo rỗng để chúc mừng những nhà giáo Việt Nam nhưng tôi xin chúc những người tôi coi là Thầy những lời tốt đẹp nhất, dù họ chưa một lần đứng trên bục giảng…