Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Fishlog#2] Đằng sau thư viện.

Hồi còn đi học, tôi được một thầy giáo nói rằng một trong các tiêu chí đánh giá sinh viên của thầy là tần suất đến thư viện. Theo thầy thì các sinh viên tốt là các sinh viên thường xuyên đến thư viện. Điều này có nghĩa là những sinh viên đến thư viện thường học tập tốt hơn những sinh viên còn lại và dường như thư viện đã giúp sinh viên học tốt hơn. Vậy một vấn đề nảy ra là: có thực là thư viện giúp sinh viên học tốt hơn không? Tôi sẽ cùng các bạn thử tìm hiểu vấn đề này (trong bài viết này sẽ chỉ xét đến thư viện trong các ngôi trường đại học).

1. Thư viện có gì?

Cái này thì chắc ai đến thư viện sẽ biết thừa, còn ai chưa đến thì cũng đừng quá lo lắng, bạn sẽ sớm hình dung ra thôi. Tất cả các thư viện đều có sách, có khi là rất nhiều sách; những bộ bàn ghế, những người bạn đến học hoặc đọc sách, bầu không khí tương đối yên lặng với những tiếng nói chuyện thì thầm,… Không ồn ào, không chạy nhảy, không nói chuyện to, không đồ ăn, không chơi game, không bật nhạc ầm ĩ,… Nói chung thư viện là một nơi rất thích hợp cho việc học hoặc… ngủ.

2. Thư viện có NÊN là nơi giúp sinh viên học tốt hơn không?

Trong phần này, tôi sẽ không nói đến việc có hay không có lợi ích của việc lên thư viện mà muốn nói đến chuyện liệu thư viện có nên có những lợi ích đó không. Điều gì xảy ra nếu thư viện có/không có các lợi ích đối với việc học tập của sinh viên.
Do muốn nhìn nhận vấn đề trên góc nhìn kinh tế học, tôi sẽ tạm thời bỏ hết các yếu tố bên ngoài tác động đến vấn đề đang được thảo luận.
Giả sử việc lên thư viện đem lại lợi ích thực sự cho sinh viên. Nói dễ hiểu thì các sinh viên thường xuyên lên thư viện sẽ có được điều kiện học tốt hơn và có khả năng có điểm số cao hơn những sinh viên khác không lên thư viện. Điều này gây ra hai hệ quả.
Thứ nhất, không có trường đại học nào đủ điều kiện để xây dựng một thư viện đủ chỗ cho tất cả các sinh viên. Do đó nếu thư viện có lợi ích như thế và tất cả mọi người đều biết điều đó thì sẽ gây ra tình trạng quá tải ở các thư viện. Nhiều sinh viên sẽ không có chỗ, một số sinh viên sẽ chấp nhận đặt tiền để nhận chỗ và một số sinh viên khác đến sớm sẽ chấp nhận bán chỗ của mình để lấy tiền. Một vụ mua bán mà cả hai đều có lợi, tất nhiên nhà trường không thích điều này.
Thứ hai, đây là một điều thật vô lí vì việc lên thư viện, mượn sách gần như là miễn phí (nếu có phí thì cũng không đáng kể so với học phí của sinh viên đó), và cùng với một mức học phí, với các khoản đóng góp ngang nhau, những sinh viên có điều kiện lên thư viện  lại có được điều kiện học tốt hơn so với các sinh viên khác (ở đây nói rằng các sinh viên “có điều kiện” chứ không nói các sinh viên “thường xuyên lên” vì một số sinh viên có điều kiện nhưng không sử dụng và đó là lỗi của họ). Như thế là rất không công bằng, các sinh viên trọ gần sẽ chiếm ưu thế do họ có khả năng lên thư viện sớm. Các sinh viên trọ xa hoặc vì một lí do nào đó mà không có điều kiện lên thư viện (như phải đi làm thêm để trang trải chi phí học hành của mình chẳng hạn) sẽ gặp thiệt thòi. Điều này có thể khiến giá nhà trọ và cả giá cả các mặt hàng gần các trường đại học vốn đã đắt đỏ sẽ tiếp tục tăng lên. Và trong khi Nhà nước đang phải nỗ lực để hỗ trợ cho các sinh viên có điều kiện khó khăn có một điều kiện học tập đầy đủ và bình đẳng hơn thì có vẻ như cái thư viện đang phá hỏng tất cả. Các sinh viên nghèo sẽ càng ngày càng trở lên khó khăn hơn trong việc học tập của mình. 
Để giải quyết phần nào đó vấn đề này thì nhà trường nên mở rộng thư viện để đủ chỗ cho tất cả mọi người và hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chính (để các bạn ấy không phải lo kiếm tiền nữa mà có thời gian lên thư viện học). Về khoản tài chính thì có thể hỗ trợ gián tiếp bằng việc thu xếp cho các bạn một chỗ trong kí túc xá với mức giá phải chăng và xây dựng căng – tin bán đồ ăn với giá ưu đãi chẳng hạn. Tuy nhiên điều này cũng kéo theo việc nhiều bạn sẽ ồ ạt chuyển vào kí túc xá (vì những lợi ích của nó), và vấn đề về kí túc xá sẽ lại tương tự như vấn đề thư viện. Nhưng đó là chuyện của kí túc, mà chuyện của kí túc thì tôi sẽ nói sau. Dù sao thì quản lí kí túc xá cũng phần nào đơn giản hơn thư viện đôi chút.

Vậy điều gì xảy ra khi thư viện thực chất chẳng mang lại lợi ích nào? Tôi nghĩ các trường nên đập cái thư viện ấy đi và xây phòng chiếu phim chẳng hạn. Cũng thú vị ấy chứ.

3. Câu chuyện phía sau.

Không có một số liệu thống kê chính thông nhưng với các bạn mà tôi biết, tính một cách tổng thể thì điểm trung bình của những bạn thường xuyên lên thư viện cao hơn điểm trung bình của các bạn không lên thư viện một lần nào trong năm. Điều này có vẻ như khẳng định tầm quan trọng của thư viện tác động đến điểm số sinh viên.
Nhưng tôi cũng có bạn không lên thư viện một lần nào nhưng lại liên tục dành được học bổng và điểm phẩy có khi còn cao hơn cả các bạn thường xuyên lên thư viện. Cũng có bạn kì thường xuyên lên thư viện và kì không lên thư viện điểm số lại không khác mấy nhau. Thậm chí kì ở nhà học còn nhỉnh hơn chút đỉnh. Nói ra điều này thì có vẻ thư viện chả có giá trị gì cả?

Vậy sự thực thế nào?
Có hai mối quan hệ mà mọi người rất hay nhầm lẫn. Đó là mối quan hệ nhân – quả và mối quan hệ tương quan. Thoạt nhìn thì hai mối quan hệ này rất giống nhau: điều A xảy ra và điều B xảy ra. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở bản chất. Trong quan hệ nhân quả thì sự việc A xảy ra sẽ khiến sự việc B xảy ra, tuy nhiên trong mối quan hệ tương quan thì sự việc A và B xảy ra đều do một sự việc C nào đó xảy ra trước.
Giả sử thế này nhé. Ai cũng biết khi có sét thì sẽ có sấm, nhưng liệu sét có phải là nguyên nhân gây ra sấm? Có vẻ đúng đấy, nhưng thực tế lại không phải. Nguyên nhân sâu xa hơn là việc xuất hiện của các đám mây tích điện. Khi chúng tích điện đủ lớn thì như một quả bóng bị bơm hơi quá căng, nó sẽ phóng điện. Chính sự phóng điện đó gây ra sấm và sét và sấm và sét đều chỉ là kết quả của việc phóng điện giữa các đám mây mang điện tích với mặt đất. Nếu không có sự phóng điện đó, sẽ không có sét, (vẫn có thể có sấm khi các đám mây phóng điện với nhau, cái tia sáng hiện lên đó được gọi là chớp).
Quay lại chuyện cái thư viện, bản thân thư viện không phải là một môi trường học tập tốt, chí ít là nó không tốt hơn môi trường học ở nhà một cách hoàn toàn. Tuy nhiên những người đến thư viện chắc chắn là những người thích học và họ sẽ học (vì dù sao họ cũng không thể ngày này qua ngày khác lên thư viện ngủ trong khi mọi người học được), còn người ở nhà thì chưa chắc, có người học, có người toàn ngủ hoặc chơi. Mà chính cái sự thích học đó giúp họ dành được những điểm số cao hơn chứ không phải cái thư viện. Nói cách khác thì thư viện chỉ tập hợp những sinh viên tốt lại chứ nó hoàn toàn không đào tạo ra những sinh viên như thế. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các sinh viên lên thư viện không phải để học nữa mà để ngủ? Lúc đó thư viện sẽ không còn là một nơi thích hợp cho những người chăm học lui tới nữa và điểm số trung bình của các sinh viên thường xuyên lên thư viện sẽ giảm xuống. Lúc này, thư viện cũng không phải là nơi làm cho sinh viên dốt đi, nó chỉ đơn giản là nơi tập hợp của những sinh viên ham ngủ, tất nhiên là điểm số không bằng các sinh viên ham học.
Thư viện có tốt không? Có, nó tốt với những người thích học ở thư viện. Nó tốt với những người phù hợp với nó, còn với người khác thì không. Nói cách khác, thư viện mở ra một môi trường học mới cho những người thích học tập thể giúp người học có được nhiều sự lựa chọn hơn đối với phương pháp học của mình.
Vậy bạn thích học ở thư viện hay học ở nhà?