Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Fishlog#3] Đại sứ du lịch, dự thảo và chuyện công chức.

1. Tuần trước, tôi có dịp được cùng cô bạn của mình lượn quanh hồ Gươm ngắm gá…, lượn quanh hồ Gươm tìm kiếm tư liệu viết bài, thì bất chợt gặp được Ben – một anh chàng ngoại quốc.

 Ben, tên đầy đủ là… (gì chả nhớ) nhưng tên thường gọi là Ben Boyce – 24 tuổi, công dân mang quốc tịch Anh, nhà ở thủ đô London, tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, từng làm việc ở ngân hàng nhưng do kinh tế khó khăn nên anh đã chọn cách sống của một người vô gia cư bằng cách đi từ nước này sang nước khác. Việt Nam nằm ở giữa chuyến đi từ Cam-pu-chia sang Ma-lay-si-a của anh chàng này.

Trong buổi tối đầu tiên, tại hồ Gươm, khi chúng tôi đang tìm hiểu về con người của anh này thì một “quý cô” bán tạp hóa với dáng người điệu đà như là khuyết tật đi qua và hỏi xem chúng tôi mua gì đó không. Sau khi nhận được câu trả lời là “không” trong 2/3 người tại đó thì quý cô kia dẵm chân tôi một cái rồi bỏ đi làm cô bạn tôi phải cảm thấy xấu hổ sau đó. Rất may mà những người đến sau lịch sự hơn chứ nếu không chúng tôi phải chia tay anh này sớm mất.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục cùng Ben đến Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ở đây, tôi mới thấy được khả năng thuyết trình tuyệt vời của bạn mình sau khi cô ấy giới thiệu cho không chỉ Ben mà còn giới thiệu luôn cả với tôi về cách bố trí, ý nghĩa của các đồ vật được trưng bày. Tôi tin không chỉ tôi mà còn rất nhiều bạn khác tưởng rằng tôi đang đi cùng một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, mặc dù đôi lúc chúng tôi cảm thấy lúng túng và phải tra từ điển khá nhiều. Buổi tham quan có thể sẽ thành công hơn nếu như chúng tôi không bắt Ben xem một đoạn video dài 10 phút (thực ra là dài hơn vì chúng tôi vào xem khi nó chiếu gần hết) mà không có lấy nửa dòng phụ đề tiếng Anh. Sẽ thành công hơn nữa nếu như niềm háo hức khi được giới thiệu một số tấm gương anh hùng của bạn tôi cho Ben không bị dập tắt bởi câu “no English” từ Ben. Thế đấy, Ben phải trả tiền để được vào bảo tàng mà cuối cùng thu lại không bằng mấy người ra vào miễn phí như tôi. Một người vào để tìm hiểu lịch sử lại không được tạo điều kiện tiếp thu bằng mấy em vào để chụp ảnh check in trên Facebook. Buồn.

Trong khi Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch đang đau đầu để đi tìm Đại sứ du lịch cho Việt Nam, hàng ngày, có khoảng 20 nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (theo thống kê của Tổng cục Du lịch). Trong 20 nghìn du khách đó, không biết có bao nhiêu người gặp phải các “quý cô” bán hàng kiểu chặt chém, không biết bao nhiêu người phải gãi đầu gãi tai vì “no English” và trong số 20 nghìn lượt đó, có bao nhiêu người thề sống thề chết rằng sẽ không bao giờ đến Việt Nam một lần nữa. Nếu không nhờ may mắn gặp được những người như bạn tôi thì có lẽ sẽ còn nhiều người nữa phải kể lại với bạn bè mình về Việt Nam trong thái độ ngán ngẩm.

Tất nhiên bạn tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ khác đang cố gắng quảng bá hình ảnh Việt Nam ra Thế giới, sẽ không được chọn làm đại sứ du lịch vì đơn giản ngực họ không to, chân họ không dài, họ không nổi tiếng, và hàng loạt cái không nữa mà những cô người mẫu xứng đáng hơn họ. Dù sao cũng là đại diện cho quốc gia mà.

Vũ Xuân Tiến sẽ không bao giờ được trở thành Đại sứ du lịch Việt Nam

2. Và khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa biết nên chọn hot girl nào để làm Đại sứ du lịch thì Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải lại bắt tay nhau trong chiến dịch làm quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè Thế giới mà cụ thể hơn là cải thiện hình ảnh giao thông Việt Nam bằng việc quy định chiều cao, cân nặng, tình trạng sức khỏe để được cấp giấy phép lái xe.

Ngực lép không được phép lái xe?

Tuy nhiên nỗ lực của Bộ Giao thông và Bộ Y tế đã không được người dân chấp thuận vì nó khá là dở chừng. Nếu mà quy định như thế để làm đẹp hơn đường phố Việt Nam vì vòng ngực 72 là quá bé đối với phụ nữ và lực bóp tay lên đến 24 kg lại chẳng có giá trị gì (ai mà muốn nhìn các chị em cơ bắt cuồn cuộn như nam giới chứ, phụ nữ thì phải dịu dàng, duyên dáng mới đúng bản sắc). Còn nếu mà quy định như vậy để giảm bớt tai nạn giao thông thì lại càng vô lí vì chẳng có công trình nghiên cứu nào chỉ ra việc người nhỏ con sẽ dễ gây tai nạn cả. Thậm chí những người khỏe mạnh còn gây tai nạn nhiều hơn, mà là tai nạn nghiêm trọng chứ chả phải tai nạn vừa.

Thực tế thì chúng ta cũng chẳng lạ lẫm gì với các thông tư kiểu trên trời, thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính thực tế để rồi chẳng đâu vào đâu. Có thể nói như quy định cấm sử dụng điện thoại gần các cây xăng, không có cơ sở khoa học để chứng minh, thậm chí nhóm làm chương trình Mythbusters của đài Dicovery còn cho hẳn một chiếc điện thoại vào buồng chứa hơi xăng bão hòa rồi gọi điện mà nó cũng không thèm nổ nhưng cuối cùng quy định vẫn được đưa vào thực tế và vẫn chẳng có ai xử phạt và cũng chẳng có ai bị xử phạt. Còn vô số các quy định, dự thảo khác mà có lẽ chả cần kể tên thì mọi người vẫn tưởng tượng được ra ở trong đầu đi kèm với cụm từ “vớ vẩn”.

3. Có lẽ biết được nhu cầu giải trí của người dân là rất lớn mà các bộ phim, các trận bóng, các chương trình ca nhạc,… vì lí do này hay lí do khác không đủ đáp ứng nhu cầu đó thì việc các thông tư, nghị định kiểu trên trời rơi xuống biết đâu lại được coi là một phần nào đó bù đắp lại sự thiếu vắng do các loại hình giải trí cũ gây ra. Với một số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về; một số khác thì dốt đặc ngữ pháp tiếng Việt thì cái chuyện coi kịch như đời, coi đời như kịch âu cũng là lẽ thường.

Công chức?

Và khi người dân đã dần chán ngán với các văn bản hành chính “trời ơi đất hỡi” thì không biết đây được coi là một vở bi kịch hay một vở hài kịch nữa đây. Có lẽ là cả 2…