Lê Duy Trung

My job -My life – My story

[Fishlog#5] Hướng nội – hướng ngoại.

Trong bất kì nhóm người nào từ nhóm bạn bè, đồng nghiệp hay bất kì những nhóm nào khác thì cũng đều có những người hướng nội và những người hướng ngoại.
Hướng nội là “khuynh hướng chủ yếu hoặc hoàn toàn quan tâm đến cuộc sống tinh thần của bản thân người đó”. Người hướng nội là người năng lượng có xu hướng mở rộng khi suy nghĩ và suy nhược khi phải giao tiếp với những người khác. Những người hướng nội thường kín đáo và ít nói trong những nhóm đông. 
Hướng ngoại là “những hành động, trạng thái hay thói quen chủ yếu quan tâm tới việc làm vừa lòng những người khác. Họ có xu hướng thích thú khi tương tác, giao tiếp với con người và nói chung là nói nhiều, nhiệt tình, thích giao lưu và quyết đoán. Họ vui khi được tham gia các hoạt động có nhiều người như tiệc tùng, hoạt động cộng đồng, các cuộc biểu tình công cộng, kinh doanh và các nhóm chính trị. Chính trị, giảng dạy, bán hàng, quản lý và môi giới là những lĩnh vực thích hợp với những người hướng ngoại. Một người hướng ngoại thích và trở nên tràn đầy sinh lực khi ở trong các nhóm lớn và thời gian khi ở một mình là ít thú vị và nhàm chán đối với họ.
Nếu bạn tổ chức một buổi nói chuyện giữa một nhóm người và bảo họ đưa ra ý kiến về một điều gì đó thì thường ý kiến của những ai nói to nhất hoặc có sức lôi cuốn nhất hay quyết đoán nhất thường được mọi người nghe theo. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xem xét và thấy không phải tất cả những người nói giỏi nhất đều có được những sáng kiến hay nhất. Tức là chẳng hề có sự tương quan nào giữa khả năng nói và khả năng suy nghĩ cả.
Hiện nay có vẻ chúng ta đang sống trong một xã hội có tinh thần hướng ngoại thái quá. Chúng ta đọc rất nhiều các sách về thành công mà nội dung chủ yếu là nhắc ta tạo dựng các mối quan hệ, chúng ta tham gia rất nhiều các buổi học kĩ năng giao tiếp, kĩ năng nói chuyện, kĩ năng nói trước đám đông và hàng loạt các loại kĩ năng khác để hướng đến một cái đích thành công hơn nhờ sự thú vị và năng nổ của mình. Thực ra việc đọc, học đó cũng tốt; cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nếu mọi người cởi mở hơn. Tuy nhiên việc cởi mở với nhiều người lại không phải là việc đơn giản. Nói chính xác hơn là nó vô cùng khó khăn với một số người – những người quen sống nội tâm.
Hẳn bây giờ chẳng còn mấy người không biết đến Apple. Nhắc đến sự thành công của Apple, không thể không nhắc đến Steve Jobs, tuy nhiên để thành lập được Apple, còn có một “Steve” khác, đó là Steve Wozniak. Khi mới thành lập, Apple là một công ti sản xuất máy tính, và Steve Wozniak là người thiết kế chiếc máy tính đầu tiên cho Apple. Sau những tháng ngày vất vả thiết kế, Steve Wozniak đã mang thành quả của mình đến Steve Jobs – một diễn giả tuyệt vời. Có thể Jobs đã nói với Wozniak rằng: “Chúng ta có thể kiếm được tiền từ cái này đấy anh bạn” và Apple đã được thành lập.
Thật không quá khó để tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu không có một trong hai ông “Steve” kia. Chắc chắn chúng ta sẽ không thể có được một Apple như bây giờ. Jobs là một người hướng ngoại và ông không thể ngồi một mình trong văn phòng thiết kế như Wozniak. Ngược lại Wozniak cũng không thể trình bày ý tưởng tuyệt vời của mình cho nhiều người biết được, vì ông là một người hướng nội. Nói một cách hình ảnh thì Steve Wozniak là người trồng táo còn Steve Jobs là người bán táo. Nếu thiếu một trong hai người thì có thể chúng ta sẽ ăn lê, đào hay một loại hoa quả nào đó nhiều hơn.

Thực tế thì mọi người thường không hướng ngoại hoàn toàn, cũng không hướng nội hoàn toàn mà thường là hòa trộn hai mặt này theo một tỉ lệ nào đó. Có những người hướng nội trội hơn, cũng có những người hướng ngoại nhiều hơn, và có cả những người “ambiverted”, tức là kiểu 50-50, không hướng nội cũng không hướng ngoại. Cũng giống như việc nói và làm. Một người nói tốt nhưng nếu không cộng tác với một người làm tốt hoặc bản thân mình cũng phải làm vừa đủ thì cũng chỉ là một tay nói phét, một cái thùng rỗng kêu to. Ngược lại, nếu một người chỉ làm mà không nói thì cũng sẽ không ai hiểu mình, do đó hiệu quả công việc cũng không thể tốt được.

Xét cả trong một tập thể lẫn trong mỗi cá nhân đều cần có cả sự hướng nội và hướng ngoại, cần cả việc nói và việc làm. Nên theo một cách nào đó thì không nên đánh giá một thứ quá cao mà quên đi cái còn lại. Điều này cũng được áp dụng với kĩ năng mềm và kĩ năng cứng (có lẽ để lần khác nói sau).
Vậy cả những người hướng nội và hướng ngoại đều đáng quý, cả những người làm nhiều và nói nhiều đều đáng quý.
Thế những thằng nói ít, làm cũng ít mà suốt ngày lên mạng chém gió thì phải xử lí sao? Một vote thả rọ trôi sông cho bớt đi một thằng anh hùng bàn phím.

Cảnh đáy sông được chụp qua cái rọ bằng con Xperia Z1 và upload bằng wifi ở dưới âm phủ
Đáy sông – ảnh chụp bằng điện thoại Xperia Z1 và upload bằng wifi từ âm phủ.

Previous Article
Next Article