Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Lan man từ karaoke

Ở quê, mấy hôm mưa rất dễ nghe được tiếng các bà, các mẹ tụ tập nhau lại ngồi hát karaoke. Mà các bà, các mẹ hát thì thôi rồi, đáng sợ luôn. Đến cỡ Trung mà còn chê thì các thím biết thế nào rồi đấy. Dại mồm chứ chẳng may có nhạc sĩ nào ngồi bên cạnh các bà, các mẹ nếu không phải chạy ra chợ mua ít hoa quả Trung Quốc về ăn cho ngộ độc chết từ từ thì cũng phải ngồi lôi mấy cái dự thảo, thông tư, nghị định ra đọc để chết nhanh cho gọn. Ngồi nghe các bà, các mẹ hát thì mấy cái khái niệm như tông giọng, nhịp điệu, thể loại nhạc… đều là các khái niệm vứt đi, gạch, gạch hết. Lời bài hát có sẵn, chỉ cần nhớ sơ sơ nhạc, mà có khi cũng chẳng cần nhớ nhạc, chỉ cần ngâm nga như thể mình đang hát là được. Thế là thành một bài. Nếu ai mà can đảm đi hỏi sao các bà, các mẹ hát như thế thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời “chúng tao thích”. Đơn giản chỉ là vậy, “chúng tao thích”. 
Sự văn minh khiến con người phải suy nghĩ nhiều hơn về những hành động của mình. Trước khi làm một điều gì đó chúng ta cần nghĩ xem hành động đó liệu có ảnh hưởng hay gây hại gì cho người khác hay không. Đó cũng chính là lý do khiến chúng ta không tự nhiên vạch chim đứng đái giữa đường. Trừ khi bất đắc dĩ, mót quá không chịu được thì cũng phải tìm chỗ nào kín kín, ít người qua lại để mà “giải quyết”. 
Tuy nhiên, chính cái sự văn minh đó đôi lúc lại khiến chúng ta quá mải mê suy nghĩ cho người khác mà quên mất mình là ai, mình muốn gì. Đã bao nhiêu lần vì ngại, vì sợ người khác cười, vì sợ bị chê mà ta không dám phát biểu ý kiến, không dám bắt chuyện với người ta ấn tượng, không dám cầm mích (micro) lên hát dù lòng rất muốn. Chúng ta đặt ra quá nhiều câu hỏi: “liệu mình hát có hay không?”, “liệu người ta sẽ phản ứng thế nào?”, “mình làm thế có còn là mình không nữa” mà quên mất, câu hỏi đúng đáng lẽ phải là: “Mình có muốn làm việc đó không?”. Vậy thôi!
 Để rồi, cơ hội vụt mất. Tối đến, lại một mình ngồi ngắm sao mà hỏi ông trời: “Bao giờ con mới có người yêu để đi chơi Trung Thu”. Trời ở trên cao lắc đầu ngán ngẩm “Tao cho mày gặp nó rồi nhưng lúc gặp nó mày ngại nên lấy điện thoại ra gạt gạt mấy cái để tỏ ra mình là người bận rộn ấy chứ”. Thôi không ngồi ngắm sao nữa, vào on (online) Facebook, ấn lai (like) lung tung, nhận được mấy cái thông báo cho thấy mình không cô độc. 
Nói vậy không có nghĩa là cái gì muốn cũng làm. Nếu mà cứ muốn việc gì làm việc ấy thì đã không phải là người nữa, là “con”. Những việc vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm đạo đức hoặc làm mất cảnh quan thì cần tránh. Không nên vạch chim đứng đái giữa đường, ấy là văn minh. Nhưng những việc chẳng vi phạm gì, chẳng gây hại gì quá lớn đến ai, chỉ là mình làm tốt hay không tốt thì thôi cứ làm. Sợ gì. Nếu người khác phản ứng tốt thì làm tiếp, không thì thôi. Làm là chuyện của mình, thích hay không là quyền của người ta, suy nghĩ nhiều làm gì cho mệt. Chẳng ai lôi mãi một lần làm không tốt ra cười hả hê cả. Nếu có gặp ai như thế thì thôi cạch, khỏi chơi, chơi với những người như thế chỉ tổ ngu dần đều. 
Cách đây mấy năm, tôi có phân vân không biết hối hận về những điều đã làm và hối hận vì những điều không làm, cái nào đáng hối hận hơn. Và câu trả lời tôi thấy thích thú nhất là hối hận vì những điều không làm vì nó đi kèm nhiều điều thắc mắc, nhiều điều “giá như”, còn nếu đã làm rồi thì đừng hối hận. Đôi khi, làm một việc gì đó, tỉ lệ thành công rất thấp. Nhưng thà làm và nhận 5% thành công còn hơn là lặng im và chấp nhận 100% thất bại. Chí ít là sau những lần làm và thất bại đó, ta còn biết làm cách khác vào lần sau, còn hơn là lần nào cũng gạt đi gạt lại cái điện thoại mà hối hận, thắc mắc. 
Bốc phét thế thôi chứ còn nhiều việc không dám làm lắm. Sau mỗi lần không làm lại chẹp, để lần sau vậy. Mà cứ lần sau, lần sau, lần sau mãi đến khi lần sau không bao giờ đến nữa. Thế ấy.
Hình ảnh copy trên mạng, không mang tính minh họa
Previous Article
Next Article