Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Lao công – những người ngược bước dòng đời

Một buổi chiều ngồi trà đá ở gần trường Đại học Thương Mại, bắt gặp một hình ảnh rất đỗi bình thường thôi, nhưng lại gây ấn tượng rất sâu sắc với tôi – một cô lao công đẩy xe chở rác làm nhiệm vụ quen thuộc của mình. Và không ngại ngần, tôi đã lưu lại khoảnh khắc đó bằng cái camera của điện thoại mà tôi chưa bao giờ dùng đến.

Trong khi đa phần mọi người đang trên đường về nhà, đang nghĩ đến bữa cơm ngon lành, đang nghĩ đến những giờ nghỉ ngơi, nghĩ đến chiếc ti vi, chiếc tủ lạnh, chiếc máy tính thì thứ mà người đó nghĩ được chắc chỉ có thể là công việc, là những khó khăn, là ngôi nhà và những đứa con đang chờ họ khi màn đêm buông xuống.

Ai cũng thích đi trên những con đường, những ngõ phố sạch sẽ, ai cũng không muốn mình tiếp xúc với những thứ rác rưởi, bẩn thỉu. Nhưng những thứ rác rưởi, những thứ bẩn thỉu đó vẫn được sinh ra hàng ngày. Và người lao công là những người phải làm việc đó. Họ chấp nhận phải tiếp xúc với những thứ hôi thối và đôi khi là cả những mầm bệnh để cho những con phố, những đoạn đường được sạch sẽ.
Tất nhiên, họ cũng chẳng cao cả đến mức tự nguyện làm việc đó, họ làm việc đó cũng chỉ là vì đồng tiền, vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống của họ. Nhưng thử hỏi trong số chúng ta, có ai làm việc mà không vì đồng tiền, không vì miếng cơm manh áo? Tôi nghĩ là có, nhưng ít thôi và những người đó cũng có việc khác để kiếm tiền, kiếm miếng cơm rồi. Thậm chí có những kẻ vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ danh dự, làm biết bao việc vô đạo đức  và còn cả những kẻ luồn cúi, nịnh hót, dối trá. Những kẻ đó, vì công danh, vì tiền bạc đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bao người. Ấy vậy mà nhiều kẻ trong đó vẫn nhởn nhơ, ngoài vòng pháp luật và ngoài vòng đạo đức. Trong số những kẻ đó, còn không ít kẻ vẫn được người khác tung hô, vẫn được nể nang, được coi trọng.Vậy, công bằng ở đâu khi những con người nhỏ bé kia, những con người chấp nhận làm việc với rác thải, với bụi bẩn đôi lúc còn bị nhìn với con mắt khinh bỉ của xã hội như những con người hèn kém. Công bằng ở đâu khi những đứa con của họ hoặc là không dám nói thật về nghề nghiệp của bố mẹ mình hoặc là bị bạn bè xa lánh vì là “con bà lao công”. Công bằng ở đâu chứ?
Và tôi cảm thấy thương họ, cảm thấy họ có gì đó rất đáng khâm phục, rất đáng tôn trọng, người lao công – những người ngược bước dòng đời.
Previous Article
Next Article