Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Phở và Bánh Đa

Hôm nay, đọc “báo” thấy có một bài viết so sánh cuộc sống ở Hà Nội và Hải Phòng làm tôi thấy sao Hải Phòng quê tôi lại trở nên giống cái xóm liều thế vậy. Biết rằng “Người đưa tin” (trang báo đăng bài kia) chỉ là một tờ báo nhỏ, chẳng ăn thua gì được với Dân Trí, Vietnamnet hay Vnexpress nên đôi lúc đăng một vài bài thu hút dư luận một tí thôi (mà thực ra báo đó toàn những tin giật gân, “người đưa tin” này xem ra thích đưa tin xấu) nên chẳng buồn giận, chẳng buồn phản ứng, chỉ để lại mấy comment bông đùa một tí cho dân tình hạ hỏa thôi.
Quê hương là ở Hải Phòng, sống ở Hà Nội cũng ngót nghét được 4 năm, sống ở cả hai nơi đúng là không tránh khỏi những sự so sánh trong lòng. Khác với ai kia, so sánh để chỉ ra nơi nào hơn, nơi nào kém, tôi chỉ có chút so sánh để thấy được sự khác nhau về môi trường sống của hai nơi thôi, và tất nhiên, ai thấy nơi nào hợp với mình hơn thì sẽ thích ở đó hơn, cái này là tùy mỗi người. Và cũng khác với ai kia, quê tôi Hải Phòng nhưng tôi không dám nhận mình biết hết về Hải Phòng, biết hết về Hà Nội thì càng không. Ở Hà Nội, người ta còn phân biệt “dân ngoại tỉnh” với “Hà Nội gốc” nữa nên tôi cũng chẳng dám chắc là những người “Hà Nội” tôi tiếp xúc có phải là “người Hà Nội” thật hay không, mà tôi cũng chẳng so sánh gì họ. Với kinh nghiệm lăn lộn các quán ăn ở cả hai nơi, tôi chỉ dám so sánh cách ăn hai món ăn bình dân và phổ biến mà gần như ở đâu cũng có là Phở và Bánh Đa (mà phải nói trước là cách ăn các món này ở các quán mở trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng nhá, đừng bạn nào mang “phở Hà Nội gốc” ra ở đây, nó chẳng thể hiện gì ngoài một chút văn hóa nào đó bị lãng quên cả)
Người Hà Nội thích ăn phở, ở đâu cũng thấy các quán phở. Các quán phở ở Hà Nội phần nhiều là phở bò mà là phở bò Nam Định. Hải Phòng không thích phở, Hải Phòng thích bánh đa hơn. Hầu hết các quán “phở” của Hải Phòng đều bán bánh đa và các quán bánh đa càng bán bánh đa, và có rất nhiều các loại bánh đa. Có thể người ngoài đi qua không biết, bảo người Hải Phòng treo đầu dê bán thịt chó nhưng thực ra không phải. Người Hải Phòng nào cũng thừa hiểu trong đó toàn bánh đa, mà do thích bánh đa hơn thì có lẽ các chủ quán đang “treo đầu chó bán thịt dê” thì mới đúng. Đây chỉ đơn thuần là thói quen không hơn không kém, có lẽ “phở” đã trở thành một từ địa phương của Hải Phòng để chỉ bánh đa rồi.
Phở Hà Nội
Phở ở Hà Nội ít gia vị bên ngoài để thực khách tự thêm hơn bánh đa ở Hải Phòng. Phở Hà Nội cho thực khách thưởng thức cái mình có còn bánh đa Hải Phòng cho thực khách cái họ muốn. Có thể so sánh một cách thú vị thì Phở Hà Nội chính là Iphone chỉ có mấy phiên bản cao cấp (và giảm cấp do có phiên bản khác cao cấp hơn), còn Bánh đa Hải Phòng là Samsung, có mọi sản phẩm ở mọi phân khúc khẩu vị người dùng. Tất nhiên cả hai đều có những hấp dẫn riêng mà người trót nghiện khó dứt ra được.
Bánh đa cua Hải Phòng
Bát bánh đa Hải Phòng sặc sỡ hơn bát phở Hà Nội. Phở Hà Nội hầu như chỉ có màu trắng của bánh phở, màu nâu đỏ của thịt bò, màu xanh của lá hành. Màu của bát bánh đa Hải Phòng rất đa dạng, tùy thuộc vào loại bánh đa bạn chọn, gia vị bạn cho và cả rau sống. Nếu bạn gọi một bát thập cẩm thì trong đó, ngoại trừ những màu trên còn có mày xanh đen của chả lá lốt hay màu vàng cam của gạch cua. Trông cực kì bắt mắt.
Ăn kèm với Phở Hà Nội là quẩy, và muốn ăn phải mất tiền. Ở Hải Phòng ít có quẩy, ăn kèm với bánh đa là rau sống, rau sống được đặt ở bàn, ăn hoàn toàn miễn phí. Đĩa rau sống ở Hải Phòng được chuẩn bị rất cẩn thận gồm các loại rau khác nhau phù hợp với từng món ăn, từng khẩu vị, màu sắc cũng rất sặc sỡ. Các quán ăn đôi lúc cạnh tranh với nhau chỉ bằng đĩa rau sống. Đây cũng là một cách để món bánh đa ăn nhiều không bị ngấy. Có rau chắc chắn ăn sẽ được nhiều, được lâu hơn là toàn thịt và bánh phở rồi.
Quán phở Hà Nội muốn uống phải gọi nước, và ăn xong thì trả tiền rồi về. Bánh đa Hải Phòng bạn vẫn phải gọi nước ngọt nếu muốn. Nếu là người thích nhâm nhi chút rượu trong lúc ăn thì ở đó có rượu trước rồi. Ăn uống xong bạn chỉ cần nói số chén, chủ quán sẽ tính tiền cho bạn. Còn nếu bạn không muốn gọi nước ngọt, không muốn uống rượu thì cũng không sao. Các quán bánh đa Hải Phòng đều có một bàn uống trà. Mọi người ăn xong ra đó ngồi uống trà (miễn phí) và nói chuyện, hỏi thăm nhau. Quan hệ của chủ quán – khách không phải chỉ là người bán – người mua. Qua bàn trà, mọi người được gắn bó hơn với nhau, ở đây họ là bạn bè, là hàng xóm chứ không chỉ có mua và bán nữa rồi. Ai dám nói người Hải Phòng không tình nghĩa chứ? 
Thời điểm đắt khách của bánh đa Hải Phòng chủ yếu vào buổi sáng và tối. Phở Hà Nội như đắt khách cả ngày.
Tôi muốn viết thêm nhiều lắm, nhưng sợ viết dài quá, chả ai đọc; văn chương cũng có hạn mà tôi cũng đói nữa. Có lẽ một chút so sánh nhỏ phía trên cũng giúp mọi người hình dung được gì đó về hai món ăn rất bình dân này.

Phở Hà Nội mang trong mình chút gì đó ồn ào, náo nhiệt, sôi động của Hà Nội. Bánh đa Hải Phòng lại mang trong mình chút tĩnh lặng, một chút suy tư.

Nếu bạn là người sôi động, vội vã thì phở Hà Nội sẽ hợp với bạn, nếu bạn là người sống chậm thì bánh đa Hải Phòng sẽ giúp bạn thư thái hơn.

Bạn muốn nếm thử bánh đa ở Hải Phòng chứ.