Lê Duy Trung

My job -My life – My story

Phong trào và đồng tính

Cách đây mấy năm, khi cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long đang đến giai đoạn cao trào, nhiều cơ quan, đoàn thể, trường học bắt nhân viên mình phải tham gia. Trường tôi cũng không ngoại lệ, Hội Sinh Viên huy động tất cả các sinh viên tham gia và cũng nhận được không ít sự hưởng ứng, nhưng không phải từ tôi. 
Với những thông tin thôi thu thập được, tôi cho rằng tính pháp lý của công ty tổ chức có vấn đề, tôi cho rằng chúng tôi đã bị truyền thông bưng bít khi cố tình dịch từ Corporation (doanh nghiệp tư nhân) thành “Tổ chức”, tôi cho rằng có ai đó đang trục lợi từ những tin nhắn của chúng tôi (dù số tiền 1 tin nhắn không nhiều nhưng với số lượng đủ để đưa Vịnh Hạ Long đứng top 7 những nơi được nhiều người ủng hộ nhất thì hẳn cũng không ít)… Với tất cả lý lẽ của mình, tôi đã làm một bạn trong Hội Sinh Viên cứng họng.Không biết nói gì, bạn ấy lôi lý do cấp trên bảo thế rồi bắt đầu nói đến lòng yêu nước, công ơn của Đảng, Nhà nước,… Không cần biết trong cuộc tranh cãi trên ai đúng, ai sai nhưng rõ ràng bạn kia đã không hiểu hết vấn đề và chỉ hưởng ứng theo “phong trào” nên mới đuối lý như vậy.

Tuy nhiên đó không phải là lần duy nhất tôi nhìn thấy biểu hiện của bệnh “phong trào”. Các lần khác có thể kể đến như những người mặc áo “Tôi yêu Hà Nội” xả rác xuống Hồ Gươm trong dịp đại lễ hoặc những người hưởng ứng “giờ Trái Đất” bằng việc tụ tập đốt nến và vứt giấy rác ra đường,…
Gần đây, do sự phát triển của mạng xã hội, các phong trào càng dễ được hình thành và có tính lan truyền mạnh mẽ hơn. Bên cạnh một số ít phong trào có thể truyền đi được cả biểu hiện và ý nghĩa thì đa phần các phong trào lại bị biến tướng mất hết phần ý nghĩa hoặc vốn chẳng có ý nghĩa gì. Có thể kể đến như phong trào dội nước đá gây quỹ giúp đỡ nạn nhân teo cơ ALS trở thành một trò vui khi nhiều người dội nước xong và không làm từ thiện (mặc dù rất đúng luật) hay Kiss Cam từ một phong trào gắn kết mọi người ở phương Tây trở thành một trò chơi phản cảm, hoặc phong trào chạm tay vào rốn không biết để chứng minh eo thon hay tay dài (chí ít trò này không gây hại đến ai nên cũng không đến mức phải phản đối).
Hôm nay, có người bạn hỏi tôi sao không thay avatar để bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng LGBT. Thực sự thì việc thay avatar hay nói một hai câu ủng hộ thì rất dễ, nhưng liệu nếu quen một người LGBT thì mình có đối xử với họ như một người bình thường được hay không hoặc trong trường hợp éo le hơn là một người thân của mình là LGBT và đang bị phản đối thì mình có dám đứng ra bênh vực, bảo vệ, đó mới là chuyện đáng bàn.
Tham gia phong trào thay avatar để ủng hộ cộng đồng LGBT không phải là điều gì không tốt, nhưng một khi đã tham gia thì đừng chỉ vì hai chữ “phong trào”. Hãy tham gia bằng chính trái tim của mình, bản thân mình muốn thế!
Mà bản thân mình muốn thế hay không thì phải vào trong hoàn cảnh cụ thể mới biết được…